Bén duyên với nghề làm “thầy” từ những gò mả trong xóm trọ nghèo
Cách đây 14 năm, gia cảnh khó khăn một mình anh Hoàng Trọng Khánh (42 tuổi, quê Huế) một mình khăn gói vào TP HCM lập nghiệp. Khi vào TP HCM anh Khánh may mắn xin được việc tại một doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn TP Thủ Đức, TP HCM.
Ngày mới vô không quen biết ai, nên khi xin được việc anh xem những người đồng nghiệp mới quen là bạn. Trong một lần tình cờ đến nhà đồng nghiệp chơi, nhìn thấy những đứa trẻ ngồi học trên những gò mả ven đường, không ai chỉ dạy cũng chẳng biết đúng sai. Thấy bọn trẻ say mê học hành, anh Khánh thương rồi dùng vốn kiến thức của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường để chỉ dạy.
Những đứa trẻ là con của công nhân lao động nghèo không có điều kiện đến lớp học thêm, ba mẹ cũng bận mưu sinh không có thời gian chỉ dạy, may mắn có người kèm cập rồi cứ thế mong mỏi ngày mai chú lại đến. Chính vì thương, nên anh Khánh quyết định mở lớp dạy miễn phí cho bọn trẻ.
“Bản thân mình từ nhỏ đã thiếu thốn tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nên mình có một tuổi thơ buồn. Với cái bản tính của một đứa trẻ mà không có sự chăm sóc thì việc ham chơi được đặt lên hàng đầu. Mình thấy rằng sự ham chơi của mình chính là điều làm cho mình có vị thế như bây giờ. Khi đã thấy mình sai từ đó thì mình cố gắng làm lại. Chính vì tuổi thơ mình đã trải qua việc học không hiểu bài, không làm bài được nó thế nào nên khi thấy những đứa trẻ không hiểu bài, nghỉ học… mình cảm thấy chạnh lòng”, anh Khánh bộc bạch.
Ban đầu, lớp học của anh Khánh chỉ có 4 em, lứa học trò năm ấy (năm 2010) sinh năm 1999. Đến nay, hiện lớp học của anh có 43 em - là những học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 có hoàn cảnh khó khăn trong khu vực. Mỗi tuần, anh Khánh dạy 6 buổi, mỗi buổi chia làm 2 ca.
Hạnh phúc khi thấy các em ham học
Ban đầu lớp học của anh Khánh là những ngôi mộ được lát bằng đá. Thấy vậy, nhiều người xung quanh dựng cho anh cái chòi lá, có bàn, có đèn... Khi số lượng học sinh đông hơn, chủ nhà cho mượn tạm cái sân để anh dạy học. Tuy nhiên, những lúc mưa gió, nước ngập các em buộc phải nghỉ học.
Từ số ít học sinh ban đầu, khi các em dần tiến bộ được sự công nhận của phụ huynh, số lượng học sinh dần tăng lên, đó cũng là lúc khó khăn bắt đầu với anh Khánh. Việc đầu tiên là làm sao để có chỗ ngồi cho các em, kế đến là kiến thức cứ đổi mới, cải cách liên tục…
Rồi may mắn, nhiều phụ huynh thương chung tay thuê cho anh Khánh căn phòng trọ có gác trên địa bàn phường Phước Long B, TP Thủ Đức, để anh có chỗ dạy học cho các em.
Khi từng khó khăn được giải quyết, anh Khánh liên hệ với một số thầy cô trong trường học, nhờ các thầy cô hướng dẫn để bổ sung, cập nhật kiến thức giảng dạy. May mắn được các thầy cô tận tình giúp đỡ, anh Khánh dần hoàn thiện được kiến thức của bản thân.
Kể về những lúc phải học để đủ kiến thức dạy cho các em anh Khánh tự nhủ bản thân mình “phải thuộc, phải thuộc”, phải lấy khó khăn của mình làm động lực để các em nhìn vào mà cố gắng...
“Tôi nghĩ niềm tin và sự cố gắng sẽ làm cho các em cảm nhận được rằng khó khăn chỉ là một thách thức của cuộc đời và các em hiểu rằng chỉ có đối mặt, bước qua khó khăn thì mới trưởng thành”, anh Khánh tâm sự.
Để duy trì lớp học, ngoài sự hỗ trợ của phụ huynh và thu nhập làm công nhân hơn 7 triệu đồng/tháng, anh Khánh phải làm thêm nhiều việc khác lúc rảnh rỗi, ở đâu cần anh Khánh đều không từ chối. Những lúc rảnh, anh Khánh ấp trứng gà mang đi bán, hay trị ve rận cho thú cưng, đi trồng cây cảnh, trồng cỏ, cắt gạch…
“Hiện tiền thuê nhà được phụ huynh hỗ trợ nên mình không tốn. Những lúc rảnh thì mình đi làm thêm để kiếm tiền để mình có thêm một khoản. Khoản tiền đó mình để dành khi các em cần, ví dụ như đóng học phí hay tập sách, quần áo đầu năm, hoặc thưởng cho các em để khích lệ tinh thần học tập của các em”, anh Khánh chia sẻ.
Anh Khánh truyền đạt kiến thức không vì mưu sinh, không vì danh vọng mà chỉ đơn giản là vì “thương”. Nhìn thấy những đứa trẻ hiểu bài là anh vui và hạnh phúc.