Cỏ lau hay còn gọi là cỏ tranh, có mặt ở khắp các miền bắc, trung, nam trên lãnh thổ nước ta, nhưng không ở đâu hoa lau đẹp được như ở vùng núi Hoa Lư thuộc Quần thể danh thắng Tràng An. Cỏ lau ở nơi đây có thân cao, thẳng; bông mập mạp, trắng muốt, hơn hẳn lau ở tất cả các nơi khác. Đặc biệt, Bông lau ở Ninh Bình còn gắn với sự tích “ Cờ lau tập trận” của Vua Đinh Tiên Hoàng:
“ Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông Lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai sứ tướng bấy giờ đều thua”
Tài năng mưu lược quân sự của vua Đinh Tiên Hoàng đã bộc lộ qua những lần tập trận giả chính bằng cành hoa lau nơi vùng núi Hoa Lư kỳ vỹ này, để sau đó dẹp loạn 12 sứ quân lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt – Nhà nước phong kiến độc lập đầu tiên ở Việt Nam, chọn Hoa Lư là nơi xây dựng kinh đô. Nhiều học giả cho rằng cái tên “Hoa Lư” có thể được gọi lái từ “hoa lau” một loài cỏ mọc rất nhiều ở vùng thung lũng này.
Đông về, những cánh đồng bông lau nở trắng bạt ngàn như tô thêm sắc màu hoang sơ, thơ mộng cho thiên nhiên đất trời Ninh Bình. Từng bông lau vươn cao khoe sắc dưới nắng mai, hòa nhịp cùng với gió và mây trời khiến cho bất cứ ai có cơ hội chiêm ngưỡng đều say mê, như quên cả lối về.
Thời điểm hoa lau đẹp nhất là lúc sáng sớm. Khi mới nở, hoa có màu trắng tinh khiết, sau một thời gian sẽ ngả sang màu vàng. Khi chiều về, hoa lau hòa quyện cùng ánh nắng, bao bọc lên những dãy núi đá vôi hùng vĩ mang lại một vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí đến lạ thường. Cỏ lau không chỉ mang lại vẻ đẹp giản dị, dân dã mà còn mang theo những tri thức dân gian. Mỗi khi hoa nở rộ, theo kinh nghiệm dân gian của người xưa là dấu hiệu báo mùa bão lũ đã hết, thời điểm triển khai vụ đông xuân trên những thửa ruộng ven sông.
Ninh Bình đẹp suốt cả bốn mùa và mỗi mùa lại mang một nét đẹp và dấu ấn rất riêng. Sức hút của vùng đất này đến từ màu xanh của núi rừng, màu vàng của những cánh đồng lúa chín, màu trắng của những cánh đồng lau sậy trải dài mênh mang. Mùa lau không chỉ dệt một bức tranh hùng vĩ, nên thơ làm say đắm lòng du khách khi đến với nơi đây.