'Ông lớn' xây dựng Thới Bình có mối quan hệ gì với Tập đoàn Thuận An?

Công ty Thới Bình từng “sát cánh” liên danh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An – TAG tại 02 gói thầu có giá trị hơn 1 ngàn tỷ đồng tại Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng đô thị TP.HCM. Tuy chậm tiến độ và đội vốn hàng chục tỷ đồng tại dự án hồ chứa nước ngọt Cà Mau nhưng Thới Bình vẫn “trúng lớn” tại Sóc Trăng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ông Lâm Hoàng Nghiệp vừa có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 3928/VP-XD đề ngày 04/7/2024 về việc giao Ban Quản lý dự án 2 tạo điều kiện để phóng viên Tạp chí Người Xây dựng khảo sát, thu thập thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện các gói thầu xây dựng, đầu tư công do Ban này làm chủ đầu tư.

Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình, địa chỉ tại 6-8 Đường 30, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân (TP.HCM) do ông Võ Chí Hải (sinh năm 1985 - Cà Mau) làm đại diện pháp luật vừa trúng gói thầu trị giá gần 220 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.

Cụ thể, ngày 05/4/2024, ông Thạch Minh Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 tỉnh Sóc Trăng ký Quyết định số 58/QĐ-BQLDA2 ngày 05/04/2024 để phê duyệt cho Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình trúng “Gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình”, Dự án chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Giá trúng thầu là 219.426.000.000 VND, thời gian thực hiện 290 ngày.

Hình ảnh xây dựng tại gói Gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình, Dự án chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng).

Để trúng gói thầu này, nhà thầu Thới Bình lần lượt vượt qua 02 liên danh (8 doanh nghiệp) bao gồm: Liên danh Thủy lợi Hà Nội – Chấn Hưng – Đê kè Hải Dương – XL6 (Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội - Công ty TNHH Xây dựng Chấn Hưng - Công ty Cổ phần Xây dựng Đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương - Công ty CP Đầu tư Xây lắp 6) bị loại vì “giá dự thầu cao hơn”; Liên danh Kè biển (Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Cà Mau - Công ty Cổ phần Cầu đường 10 - Công ty CP Đầu tư thương mại dịch vụ Kim Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Đại An) bị loại vì “…khả năng huy động thiết bị của nhà thầu không phù hợp theo quy định của E-HSMT”.

Ông Võ Chí Hải, đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Thới Bình khẳng định, Gói thầu số 02: Thi công xây dựng công trình, Dự án chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu đang vượt gần 50 % theo tiến độ hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, phản hồi đến Tạp chí Người Xây dựng tại Văn bản số 764/BQLDA2-PKTTĐ đề ngày 16/7/2024, Ban Quản lý dự án 2 Sóc Trăng cho biết: Gói thầu thi công Dự án chống xâm thực, xói lở bờ biển Vĩnh Châu do Công ty Thới Bình thi công “đang triển khai sản xuất và đóng cọc BTLT C300, tiến độ đạt khoảng 32%, đạt tiến độ so với hợp động”.

Trước đó, liên danh Công ty Thới Bình và Công ty CP xây dựng thủy lợi Cà Mau là nhà thầu thi công công trình thuộc Tiểu dự án 8 “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm – rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau” của Dự án chống chịu khí hậu bền vững và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (Dự án ICRSL), được đầu tư bằng vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Công trình được khởi công vào tháng 1/2021, dự kiến hoàn thành trong 22 tháng (khoảng tháng 11/2022). Không chỉ chậm tiến độ, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, đến nay, dự án đã có 4 lần điều chỉnh vốn đầu tư, từ hơn 180 tỷ đồng lên trên 248 tỷ đồng (sử dụng toàn bộ bằng vốn vay ODA).

Đầu tháng 6/2024, Bí thư tỉnh Cà Mau ông Nguyễn Tiến Hải đã phải trực tiếp xuống kiểm tra tiến độ thi công công trình và chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh những hạng mục còn lại, sớm hoàn thành công trình hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh trong tháng 6.

Trước đó, theo Công văn số 1722/SNN-XD ngày 05/5/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, chủ đầu tư không nêu về việc có bị phát sinh tăng chi phí xây dựng do gia hạn tăng thời gian thi công, nhưng tại thời điểm hiện nay, nhà thầu chậm tiến độ so với hợp đồng, khối lượng xây dựng chưa hoàn thành nên không thể không tăng thêm thời gian thi công.

Về chất lượng công trình hồ chứa nước ngọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau có báo cáo cho rằng: “Thời gian qua, tại một số vị trí khu vực mái hồ, bờ bao quanh hồ xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy mái hồ có nguy cơ bị sụt lún, trượt sâu và mất ổn định đường bờ bao kết hợp đường giao thông quanh hồ… Nếu không điều chỉnh các thông số kỹ thuật như giảm cao trình mặt đất quanh hồ, tăng hệ số mái hồ, tăng chiều rộng lưu không, dời bờ bao, đường giao thông ra xa mép bờ hồ, thay đổi biện pháp thi công để phù hợp với thời tiết, địa hình cục bộ khu vực mái hồ, đường bờ bao quanh hồ”.

Một cán bộ Sở Xây dựng nêu băn khoăn trên Báo Xây dựng: “…Trong việc thanh quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện, chủ đầu phải chịu trách nhiệm nghiệm thu khối lượng, chất lượng các công việc hoàn thành theo đúng nội dung các hợp đồng đã ký (về thiết kế, thi công, giám sát...) và các quy định Nhà nước quản lý xây dựng hiện hành. Nhà thầu cho rằng, trời mưa khó thi công, đặc thù công trình bùn, mùa mưa kéo dài 6 tháng nên chậm tiến độ. Như vậy, thiết kế ban đầu, đơn vị thi công lập cho công trình nào?”.

Ông Võ Chí Hải, Giám đốc Công ty Thới Bình cho biết, công trình hồ nước ngọt tại Cà Mau đã hoàn thành và bàn giao cho tỉnh vào ngày 30/6/2024. Lý do đội vốn và chậm tiến độ là nhà thầu phải thi công thêm hạng mục để xử lý nền đất yếu, sụt lún.

Trả lời về đánh giá năng lực nhà thầu Thới Bình khi thi công chậm tiến độ và đội vốn tại dự án hồ chứa nước ngọt Cà Mau, Ban Quản lý dự án 2 Sóc Trăng cho biết: “…Công ty Thới Bình không đính kèm trong hồ sơ dự thầu dự án hồ chứa nước ngọt ở huyện U Minh (Cà Mau)… đối chiếu với HSMT được duyệt, chúng tôi đánh giá HSDT đáp ứng yêu cầu”.

Công ty Thới Bình hiện đã tham gia 139 gói thầu, trong đó trúng 80 gói, trượt 49 gói, 7 chưa có kết quả, 3 gói đã bị huỷ. Được biết, doanh nghiệp này có tài sản ròng năm 2022 là 354.366.260.970 đồng. Doanh thu hợp đồng xây dựng của Thới Bình cũng “lớn nhanh” thần kỳ, năm 2020 đạt 423 tỷ đồng, năm 2021 là 485 tỷ đồng, năm 2022 là 561 tỷ đồng.

Gần đây, Thới Bình cũng được “chỉ định thầu rút gọn” ở nhiều gói thầu xây dựng có giá “khủng” ở Cà Mau, Bến Tre. Cụ thể, ngày 29/11/2023, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau phê duyệt “chỉ định” cho Thới Bình trúng Gói thầu số 15: Thi công xây dựng Kè (4.100m) thuộc dự án đầu tư xây dựng kè chống xói lở bờ biển đoạn từ Kênh Năm đến Kênh Chùm Gọng, huyện Ngọc Hiển có giá trúng thầu 218.147.933.000 đồng, tiết kiệm (giảm giá) 1,3%.

Tiếp đó, ngày 15/12/2023, ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre ký Quyết định số 301/QĐ-BQLDANN để chỉ định thầu rút gọn cho Công ty Thới Bình trúng gói thầu Thi công xây dựng công trình dự án Phòng chống xâm thực, xói lở bờ biển huyện Ba Tri (Bến Tre) trị giá 187.274.084.636 đồng, tiết kiệm (giảm giá) 1,9%.

Công ty Thới Bình cũng từng “sát cánh” liên danh với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An – TAG tại Gói thầu XL-06: Đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương (K15+000 ÷ K17+850, L=2.850m) có giá trúng thầu 458.325.528.000 đồng và Gói thầu XL-05: Đoạn từ cầu tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng (K11+950 ÷ K15+000, L=3.050m) trị giá 561.599.332.000 đồng đều do Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Vào tháng 4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan. Theo Cơ quan điều tra, giai đoạn từ tháng 2/2014 đến tháng 12/2023, Tập đoàn Thuận An đã trực tiếp hoặc liên doanh, tham gia và trúng 32 gói thầu tại 16 tỉnh, thành phố với tổng giá trị hơn 23.000 tỷ đồng. Chỉ trong 2 năm 2022-2023, Tập đoàn Thuận An phát triển rất là nóng, trúng nhiều gói thầu với tổng giá trị 18.000 tỷ đồng. Trong đó có những gói thầu thuộc nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau COVID- 19.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt 8 bị can (trong đó có: bị can Dương Văn Thái, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; bị can Phạm Thái Hà, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; 3 bị can là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An; 3 bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang…). Cơ quan điều tra Bộ Công an kêu gọi những ai mắc sai phạm hãy trung thực, báo cáo với tổ chức hoặc tự thú để được khoan hồng.

An Nhiên

Bạn đang xem bài viết 'Ông lớn' xây dựng Thới Bình có mối quan hệ gì với Tập đoàn Thuận An? tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.