Đề xuất rút ngắn bậc
Từ tháng 3/2019 đến nay, giá điện bán lẻ sinh hoạt đã được áp dụng biểu giá 6 bậc theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong báo cáo xin ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá từ 6 bậc hiện hành xuống 5 bậc và 4 bậc cải tiến, Bộ Công Thương muốn phương án biểu giá điện 5 bậc được thông qua.
Theo đề xuất của Bộ Công Thương, biểu giá điện rút ngắn xuống 5 bậc sẽ tối ưu hơn so với biểu giá điện 6 bậc hiện hành hoặc biểu giá điện 4 bậc cải tiến. Sẽ khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn, bên cạnh đó, mức tăng giá giữa các bậc là hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và bậc cuối là 2 lần phù hợp với xu thế thế giới.
Cụ thể, với hộ tiêu thụ 50 kWh điện sinh hoạt đầu tiên, cả 3 biểu giá trên đều có đơn giá chung giống nhau 1.678 đồng/ một kWh. Nhưng từ 51 kWh đến 100kWh bắt đầu có sự khác biệt. Tại đề xuất mới về biểu giá điện 5 bậc và 4 bậc cải tiến, Bộ Công Thương chỉ tính giá 1.678 đồng cho hộ tiêu thụ từ 51-100kWh tiếp theo, trong khi đó, tại biểu giá điện 6 bậc hiện hành, hộ tiêu thụ từ 51-100kWh là 1.734 đồng/kWh. Như vậy, đơn giá 6 bậc hiện hành đắt hơn 56 đồng/kWh so với đề xuất mới.
Với hộ tiêu thụ điện từ 101kWh/tháng đến 300 kWh/tháng, biểu giá điện 6 bậc hiện hành và đề xuất 5 bậc cải tiến, Bộ Công Thương lại chia thành 2 bậc khác nhau. Biểu giá 6 bậc hiện hành, hộ tiêu thụ điện từ 101-300kWh được Bộ Công Thương chia thành 2 biểu giá: Bậc 3 (từ 101 đến 200 kWh), đơn giá 2.014 đồng/kWh; Bậc 4 (từ 201 đến 300 kWh), đơn giá điện 2.536 đồng/kWh.
Với đề xuất biểu giá điện 5 bậc cải tiến, Bộ Công Thương cũng chia hộ sử dụng 101-300 kWh/tháng thành 2 bậc: Bậc 2 từ 101 kWh - 200 kWh, đơn giá 2.014 đồng/kWh (tương tự đơn giá bậc 3 biểu giá 6 bậc hiện hành); Từ 201 kWh đến 300 kWh được xếp trong biểu giá điện bậc 3 (từ 201 kWh đến 400kWh), đơn giá 2.536 đồng/kWh (tương tự đơn giá bậc 4 biểu giá điện 6 bậc hiện hành).
Trong khi đó tại đề xuất biểu giá điện 4 bậc cải tiến, Bộ Công Thương xếp chung vào bậc 2, đơn giá cao 2.163 đồng cho mỗi kWh ngay từ 101 kWh đến 300 kWh.
Như vậy, đơn giá điện bậc 2, 3 của phương án 5 bậc cải tiến của Bộ Công Thương trùng với đơn giá điện bậc 3, 4 của biểu giá 6 bậc đang áp dụng, không làm thay đổi đơn giá hiện tại.
Trong khi đó, so với đề xuất biểu giá 4 bậc cải tiến, đề xuất biểu giá 5 bậc cải tiến của Bộ Công Thương tỏ ra tối ưu hơn về giá khi hộ sử dụng điện từ 101 kWh đến 200 kWh chỉ phải trả 2.014 đồng/kWh, rẻ hơn 149 đồng (so với đơn giá điện bậc 2 là 2.164 đồng/kWh trong biểu giá điện 4 bậc cải như đề xuất).
Ngược lại, ở đề xuất biểu giá rút gọn 5 bậc cải tiến, hộ tiêu dùng từ 201 kWh đến 300kWh được xếp bậc 3 (nhóm 201-400kWh), đơn giá 2.536 đồng/kWh, bằng với đơn giá bậc 4 của biểu giá điện 6 bậc hiện tại, nhưng lại tăng 373 đồng/kWh so với đơn giá bậc 2 của phương án biểu giá 4 bậc cải tiến (2.163 đồng/kWh).
Nếu thông qua đề xuất biểu giá điện 5 bậc cải tiến, sẽ không làm thay đổi cơ cấu tính giá điện so với biểu giá điện đang áp dụng. Tuy nhiên, so với biểu giá điện 4 bậc, sẽ làm tăng giá điện của hộ tiêu dùng từ kWh thứ 201 đến kWh thứ 300 so với đơn giá bậc 2, của đề xuất điện 4 bậc của Bộ Công Thương.
Nhiều bậc sẽ có lợi hơn cho người tiêu dùng
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết có 2 nguyên tắc khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện: thứ nhất là thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho các đối tượng, người nghèo; thứ hai là đáp ứng được việc thực hiện tiết kiệm sử dụng điện. Lý do phải tiết kiệm điện là nguồn đầu vào hữu hạn và nhu cầu điện tăng cao, trong khi khả năng cung ứng thấp.
Trong nền kinh tế thị trường, nguyên tắc là càng mua nhiều thì càng rẻ. Tuy nhiên, đối với ngành điện dùng càng nhiều thì lại càng đắt. Biểu giá bán lẻ điện chia làm nhiều bậc, với bậc sau cao hơn bậc trước nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội và khuyến khích tiết kiệm điện.
Vấn đề tiếp theo cần quan tâm là giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt sẽ áp dụng. Hiện nay, Chính phủ chỉ quy định giá điện bình quân và giao Bộ Công Thương xây dựng cơ cấu biểu giá điện dựa trên các chi phí đầu vào.
Có thể hiểu giá bán lẻ bình quân điện sinh hoạt đang áp dụng từ năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh, tức Bộ Công Thương phải tính toán làm sao khi bán điện xong, tổng doanh thu chia cho sản lượng điện tiêu thụ thì giá trung bình mỗi kWh khoảng 1.864,44 đồng. Nếu con số này lớn hơn 1.864,44 đồng thì ngành điện có lãi.
Theo đơn vị tư vấn đề án là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa, biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với 6 bậc như hiện nay là quá nhiều, phức tạp, đặc biệt thể hiện trong quá trình đo đếm, tính toán hóa đơn tiền điện của các hộ. Việc rút ngắn số bậc và thiết kế giá cũng nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Trí Long nhấn mạnh chia càng nhiều bậc bao nhiêu thì sự phân hóa càng chính xác bấy nhiêu. "Nhiều bậc rất có lợi cho người tiêu dùng, chỉ là khó theo dõi thôi", vị chuyên gia nói.
Chuyên gia Ngô Trí Long, điều cần quan tâm tiếp đến là giá của từng bậc đã hợp lý chưa, bậc nào là mức tiêu thụ trung bình trên toàn quốc. Cơ quan quản lý phải dự toán rất chính xác từng bậc 1 năm tiêu thụ bao nhiêu để cân đối với giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đưa ra.