Trong công văn, Bộ Tài chính yêu cầu chú trọng kiểm tra việc sử dụng tài sản công (TSC) là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và chấm dứt ngay các trường hợp kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định của pháp luật.
Chỉ đạo của Bộ Tài chính nhận được sự đồng tình của dư luận bởi lẽ hiện nay việc quản lý, sử dụng TSC, nhất là nhà, đất công tại một số cơ quan, đơn vị đang tồn tại rất nhiều bất cập. Trong đó phổ biến nhất là việc nhà, đất công bị cho thuê sử dụng sai mục đích hay việc các đơn vị thiếu mặt bằng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao nhưng vẫn có nhiều nhà, đất công để cho thuê kinh doanh mà tiêu biểu như trường hợp của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (số 387 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) là một điển hình.
Trường ‘kêu’ thiếu phòng học nhưng mở quán bia ở mặt tiền
Ghi nhận của PV tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho thấy: Trường có hàng loạt công trình nhà, đất đang được cho thuê kinh doanh có dấu hiệu sử dụng sai mục đích.
Cụ thể: Dãy nhà, đất giáp mặt tiền đường Hoàng Quốc Việt của Trường một phần đang được cho thuê kinh doanh cửa hàng sách, phần còn lại “biến” thành Quán bia tươi Trúc An và Nhà hàng – cà phê Trúc An; Phần mặt tiền giáp con ngõ 385 Hoàng Quốc Việt cũng “biến thành” Nhà hàng 385 – Quán bia Sài Gòn với các biển hiệu cỡ lớn được trưng ra. Tại các quán bia, lượng khách luôn tấp lập ra vào, nhất là thời điểm trưa và chiều tối.
Nghịch lý ở chỗ, mặc dù có loạt nhà đất cho thuê kinh doanh như trên nhưng trong bản Báo cáo tự đánh giá (để đăng kí kiểm định chất lượng trường cao đẳng) năm 2023, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương lại “kêu” trang thiết bị, cơ sở vật chất còn hạn chế.Cụ thể: Mục tiêu chí 8.2 (có đủ phòng học và diện tích phòng học cho việc dạy và học; có đủ các phòng thực hành, thí nghiệm và trang thiết bị theo yêu cầu chương trình đào tạo), trường tự đánh giá tồn tại đó là: “Số lượng phòng học lớn vẫn còn ít”.Mục tiêu chí 8.6 (có trang thiết bị và sân bãi cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục thể thao, đảm bảo diện tích khu thể dục thể thao theo quy định), trường cho biết, diện tích sân bãi hạn hẹp chưa đáp ứng đủ cho một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao. Tại mục này trường tự đánh giá: “Chưa đạt yêu cầu tiêu chí”.
Đề án một đằng thực tế một nẻo?
Để hiểu rõ hơn thực tế cho thuê nhà, đất công tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Tạp chí Người Xây dựng đã liên hệ làm việc với lãnh đạo nhà trường và các đơn vị liên quan.
Ngày 3/11, PGS.TS Trần Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cùng một số cán bộ có mặt tại buổi làm việc với PV thừa nhận việc quán bia “án ngữ” mặt tiền trường là không phù hợp, không có trong đề án trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo 2 văn bản được Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cung cấp cho thấy: Trường được Bộ GD&ĐT đồng ý cho sử dụng tài sản nhà, đất cho thuê vào mục đích kinh doanh sách, làm nhà ăn phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên và không có câu chữ nào đồng ý cho mở nhà hàng, quán bia để kinh doanh.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đồng ý cho Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho sử dụng: Tầng 1 nhà H diện tích 265m2 làm dịch vụ ăn uống phục vụ cán bộ, giảng viên; Nhà hội thảo 154m2 làm cung cấp dịch vụ ăn uống phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên. Nhà sách 190m2 cho thuê phục vụ nhu cầu sách giáo khoa tài liệu; Nhà thường trực cấp 4, nhà phía sau, nhà A, diện tích 200mm2 cho thuê kinh doanh sách giáo khoa….
“Trước đó khu này đã cho thuê rồi và chưa có đề án. Năm 2018, tôi về công tác tại trường thì mới làm đề án trình lên Bộ GD&ĐT. Phần Nhà hàng Trúc An thì tôi đã chỉ đạo Phòng Quản trị thiết bị phải làm việc với bên đó, làm sao để các biển báo đừng phản cảm. Về vấn đề thiếu sân tập, bây giờ sinh viên của nhà trường đông, hơn nữa chỗ đó diện tích nhỏ thì không thể làm sân tập…”, PGS.TS Trần Đình Tuấn chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bà Thủy – Kế toán của Trường nói trong buổi làm việc với PV rằng: “Đề án thì không có quán bia, làm quán bia là không đúng rồi nhưng kinh doanh thì người ta phải kết hợp…”. Bà Thủy cũng cho biết, số tiền thu từ việc cho thuê này được nhập chung vào nguồn quỹ nhà trường, có kê khai thuế đầy đủ.
Thông tin thêm với PV, lãnh đạo Phòng Quản trị thiết bị cho hay: Khi cho thuê có đấu giá theo quy định, trường ký hợp đồng cho thuê với các cá nhân. Đối với Nhà hàng – quán bia tươi Trúc An người thuê là ông Trần Quang Minh (Hà Nội).
Câu chuyện thiếu phòng học, thiếu sân tập nhưng lại có mặt bằng cho thuê kinh doanh và lại là quán bia diễn ra ngay tại ngôi trường đào tạo sư phạm không chỉ phản ánh sự bất cập trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm quản lý, giám sát của Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan quản lý liên quan. Thiết nghĩ trước thực tế đang diễn ra tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh.
Theo Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 quy định “Việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu: Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị”.
Bên cạnh đó, tại Điều 46 - Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích cho thuê của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định rõ: “Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo quy định” thì được sử dụng cho thuê, liên kết. Đồng thời việc cho thuê tài sản, nhà đất công phải được lập đề án, được đấu giá công khai.
Trong khi đó, khoản 4, Điều 147 Luật đất đai năm 2013 cũng quy định: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất phải có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích. Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng các công trình sự nghiệp vào mục đích khác".