Nghiên cứu do các chuyên gia tại Viện Karolinska thực hiện, công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, ngày 15/10. BA.2.75.2 là phiên bản đột biến thế hệ tiếp theo của BA.2.75, bắt nguồn từ Omicron. Kể từ lần đầu được phát hiện vào mùa thu năm nay, nó đã lây lan sang một số quốc gia, song chưa phổ biến.
Các chuyên gia cho biết số ca nhiễm nCoV trong mùa thu đông có nguy cơ gia tăng, trừ khi các loại vaccine thế hệ mới đủ hiệu quả giúp tăng cường miễn dịch cộng đồng.
"Miễn dịch của mọi người không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, BA.2.75.2 có khả năng trốn tránh tốt hơn nhiều so với các biến chủng từng thấy trước đây, phần lớn là do hai đột biến trong vùng liên kết thụ thể của protein gai", Ben Murrell, giáo sư trợ lý tại Khoa Vi sinh, Khối u và Sinh học Tế bào, Viện Karolinska, tác giả nghiên cứu, cho biết.
Nghiên cứu cho thấy kháng thể trong các mẫu huyết thanh từ 75 tình nguyện viên ở Stockholm (Thụy Điển) giảm hiệu quả 6 lần khi tiếp xúc BA.2.75.2 so với biến chủng BA.5 đang chiếm ưu thế. Các mẫu huyết thanh thu thập vào ba thời điểm: tháng 11 năm ngoái trước khi Omicron xuất hiện, tháng 4 sau một đợt lây nhiễm lớn, cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 khi BA.5 lưu hành rộng rãi.
Theo nghiên cứu, chỉ một liệu pháp kháng thể đơn dòng là bebtelovimab có thể vô hiệu hóa mạnh mẽ biến chủng mới. Liệu pháp này thường được chỉ định cho người có nguy cơ chuyển nặng sau mắc bệnh.