Chiều 31/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì cuộc họp về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, 2025 và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Lưu Quang Thìn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Vụ KH&ĐT) cho biết, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao 59.275 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024. Số vốn được kéo dài giải ngân kế hoạch 2023 sang năm 2024 khoảng 3.329 tỷ đồng.
Hiện, Chính phủ cũng đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 cho Bộ GTVT. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục đề nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng cho các dự án nhóm B đang thiếu vốn, bổ sung khoảng 1.240 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương 2022 cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.
"Như vậy, tổng kế hoạch giải ngân năm 2024 của Bộ dự kiến khoảng 75.824 tỷ đồng", ông Thìn thông tin.
Đến hết tháng 7/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 30.794 tỷ đồng, đạt hơn 49% kế hoạch đã được giao và kéo dài, cao hơn so với mức tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (31,6%).
Tuy nhiên, Vụ Kế hoạch-Đầu tư nhận định: Nhiệm vụ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2024 sẽ tiềm ẩn thách thức khi một số dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án đến nay chưa xử lý dứt điểm và thời tiết bất lợi cuối năm.
Giải ngân đúng khối lượng, đảm bảo thực chất
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu và các Cục, Vụ tham mưu đã đưa kết quả giải ngân của Bộ GTVT đạt được tương đối cao. Nhận định khối lượng giải ngân từ nay đến cuối năm còn khá lớn (hơn 45.000 tỷ đồng), Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải lên kế hoạch cụ thể, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao.
"Việc giải ngân phải gắn với khối lượng, đảm bảo thực chất. Các ban quản lý dự án phải yêu cầu nhà thầu tính toán lại việc bổ sung vốn. Tinh thần là sẽ bổ sung tối đa nguồn vốn để nhà thầu phát huy tối đa sức mạnh", Bộ trưởng nói.
Đối với công tác giải ngân trong năm tiếp theo, Bộ trưởng yêu cầu các dự án nằm trong kế hoạch hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021 - 2025 phải đảm bảo giải ngân 100%. Những dự án có kế hoạch chuyển tiếp sang năm 2026, song, nếu năm 2025 có thể đẩy tiến độ thì xem xét, đăng ký thêm kế hoạch vốn để tăng khối lượng giải ngân vốn trung hạn.
Bộ trưởng khuyến khích các ban quản lý dự án "giải ngân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, các ban đăng ký bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu nguồn".
"Tất cả các dự án hoàn thành năm 2025 phải bố trí đầy đủ vốn để làm. Với tinh thần đó, Vụ Kế hoạch - Đầu tư phải phối hợp với các ban QLDA rà soát tất cả các dự án để cân đối nguồn vốn kịp thời, hợp lý", Bộ trưởng chỉ đạo.