Giờ này, ngoài đường chỉ còn vài bóng người về muộn, con đường làng quê tôi, đèn điện bật sáng trưng càng làm đêm 30 cuối năm thêm sâu hun hút.
1. Đã thành lệ, năm nào mẹ tôi cũng gói đủ chục cân gạo nếp làm bánh chưng, được thảy hơn 30 đồng bánh. Mọi thứ, mẹ tôi đã sắp soạn cách đó cả tuần: gạo nếp tròn vo, trắng và thơm ngậy; lá dong rửa sạch, lau khô, gấp sẵn; thịt lợn ba chỉ đánh đụng với vài nhà trong xóm, con lợn nuôi cơm thừa canh cặn, không cám tăng trọng, và đương nhiên phải là con còi dúi dụi, chậm ăn chậm lớn, thịt mềm, bì dày… Lạt buộc được bố tôi pha ra từ đoạn ống giang người ta buôn từ mạn ngược chuyển về, đều tăm tắp, đủ dẻo, dai để chia tấm bánh chưng thành những ô vuông chằn chặn…
Ảnh minh họaNguyên do của việc nhà tôi gói nhiều bánh nhất làng, vì bố tôi là con út, nên sẽ là nhà phải đi Tết thảy khắp lượt các họ hàng, cô bác trong gia đình, trong đó, đồ lễ nhất thiết phải có đồng bánh chưng. Một nguyên do nữa, ấy là những ngày đói kém, nhà nghèo không gói được bánh, thành ra nó là nỗi thèm khát của mấy chị em tôi. Khi ấy, mẹ bảo: mai này có điều kiện, sẽ gói bánh thừa mứa để chị em tôi được ăn đến tận ra Giêng…
Giờ, bánh chưng không còn là niềm thèm khát thời con trẻ nữa, nhưng mẹ vẫn giữ lệ ấy. Bố tôi yếu từ chục năm trước, pha lạt cũng phải nhờ người khác, nên người gói bánh, mỗi năm mẹ phải thỉnh một người.
Năm nay, trong làng có chị tên Tấm, mãi không chịu lấy chồng, ở nhà gói bánh bán quanh năm, và nhận gói bánh thuê. Mẹ tôi mời chị về. Tôi bối rối làm chân sai vặt, và nhận nhiệm vụ nhóm lò, trông bánh.
Khi mẻ bánh ra, sớm sau, mẹ tôi chọn những tấm bánh đẹp nhất để biện lên bàn thờ các cụ, rồi chọn ra đồng bánh xấu xí do bị xếp ở cạnh nồi nên hình dáng bị méo mó hơn những tấm bánh khác, để cả nhà cùng nếm, cũng là để xem bánh năm nay mùi vị thế nào, để còn biết đi Tết bánh họ hàng, nhắc mọi người nhớ nêm muối chấm, nếu như bánh bị nhạt...
2. Ngày cuối năm, cả làng í ới đụng lợn, dăm ba nhà chia nhau một con. Thời buổi mới, thịt lợn ngày nào chẳng có. Làng tôi có bốn, năm phản thịt, hai, ba quán lòng lợn tiết canh, nhưng không phải vì thế mà mất đi thói quen “đánh đụng”. Đầu làng cuối xóm, sáng - trưa - chiều - tối, tiếng lợn bị chọc tiết kêu eng éc…; từ đầu đến đuôi, tất cả các bộ phận của con lợn đều được chia đều cho những nhà cùng tham gia đụng. Vui hơn, đấy là bữa liên hoan lòng, tiết. Nhà nọ mời nhà kia sang thưởng thức bữa lòng, sợ bị trùng bữa, phải thống nhất chia thời gian đám đụng sáng, đám đụng chiều… để ai cũng phải có mặt.
Tôi về quê đến ngày thứ ba, ăn được 8 bữa cỗ lòng, tổng cộng 8 bát tiết canh, còn bao nhiêu miếng dồi, miếng lòng non, miếng dạ dày… thì không thể nào mà đếm được.
Chú họ tôi làm thợ xây, nhưng có nghề tay trái là giết lợn thuê ngày Tết. Ông xách dao bầu đi khắp làng, tất bật trong cả tuần lễ, lấy tiền công giết lợn là một khoanh giò. Giò từ giết lợn thuê của ông, mỗi năm tổng kết được hơn chục cái, ông chia cho mỗi nhà một cái, giữ lại ba cái cho nhà.
3. Làng tôi gần quốc lộ. Khi con đường ngày càng được mở rộng, thông thương ngày càng phát triển, đời sống kinh tế của những làng tiếp giáp mặt đường, so với những làng quê ở xa tít cùng tắp, rõ ràng là một bộ mặt khác hẳn.
Những ngôi nhà cao tầng chẳng gọi mà cùng mọc. Pháo bị cấm đốt, họ bảo nhau mua đèn điện xanh đỏ, đèn lồng… về giăng; buổi tối thắp điện sáng lập lòe, nhìn như nhà có đám cưới.
Vài người ở làng đi làm ăn xa, mở công ty này, doanh nghiệp nọ, Tết đánh xe về làng, bóp còi inh ỏi đòi đường. Một đoạn từ đầu làng đến giữa làng, chừng 500m, họ đánh xe bốn bánh. Có anh nọ làm doanh nghiệp xây dựng trên Thủ đô, về làng đài thọ cả đám bạn cùng lứa buổi họp lớp, và chọn ra một nhà anh cuối làng để tổ chức. Anh chủ nhà, học xong đi bộ đội, hết nghĩa vụ về làng, lấy vợ sinh con, rồi theo nghiệp cha làm nghề nông, nuôi cá, chăn vịt… Chiếc xe con đậu lấn tới 2/3 con đường xóm. Bữa liên hoan đang rôm rả, thì có người gọi: “cái xe của ai đỗ ngoài ngõ, làm ơn đánh dịch ra chỗ khác lấy đường cho bà con chở xe thồ phân ra ngoài ruộng”.
Nhà nông, tính hay lo toan, vụ xuân ra Tết mới xuống đồng, nhưng vì cái tính lo xa, phải vạc bờ cuốc góc, phải đủ phân gio, bừa tơi, đất nhuyễn… trước khi cấy cây lúa xuống, mới yên tâm ăn Tết. Thế nên, trong cái cảnh tất bật đụng lợn, luộc bánh chưng, làng tôi cũng tất bật những chiếc xe thồ chở phân chuồng như thế.
Không có chỗ lùi, cả đám phải bỏ ngang bữa rượu, hò nhau khênh bổng cái xe lên cho nó quay đầu.
4. Quê ngoại của vợ tôi ở một làng bên kia sông, cách gần 30km, phải đi đò. Chiều 30, vợ chồng tôi sắp ba tấm bánh chưng, một cân giò, đôi gà sống thiến… sang Tết ông bà ngoại. Bến sông hiu hắt, dù là ngày cuối năm lượng người đi lại đã hơn hẳn ngày thường.
Lỡ đò. Tôi ngồi vén vào quán nước dựng xo ro dưới khóm tre già dưới chân đê. Quán nước của vợ chồng ông bà cụ cũng gần 80 tuổi.
Bà cụ mắt tém hém cặm cụi những mũi khâu khâu lại chiếc áo cánh may theo kiểu áo bà ba, xẻ tà hai bên, có hai túi áo đằng trước. Chiếc áo màu hồng hoa đào. Cụ bảo: cái áo này, cụ chỉ dám mặc trong mấy ngày Tết, đến nay đã được 10 cái Tết rồi. Cụ bà phúc hậu, nói chuyện vẫn giữ cách nói của thế hệ những người sống từ thời trước, tức là gọi “bác”, xưng “em”, bất luận người nói chuyện già hay trẻ.
Quán của cụ, ngày thường có vài gói kẹo lạc, kẹo cau; ấm nước chè xanh, chùm bánh tẻ gói theo hình tam giác, treo lủng lẳng trên cái móc sắt, kế bên là tòn ten nải chuối chín trứng cuốc. Ngày Tết, cụ lấy thêm xấp tiền vàng hương bán cho khách lỡ đò.
Tết của hai cụ, có ba đồng bánh chưng do con cháu ở trong làng mang ra biếu; đàn gà nuôi, cụ chọn một con xấu nết để giết cúng các cụ ngày Mồng Một; ba quả trứng để sống không luộc, nồi cơm mới, nếu cụ ông thích, thì cụ bà sẽ đồ nồi xôi hoa cau đơm đủ ba đĩa… Cụ bà phúc hậu, nhưng tạo hóa lại đơm một cái răng cửa hàm trên của cụ ra hẳn phía bên ngoài, khiến cụ không thể tròn vành, và tiếng nói lều phều như người nói cố. Thời trẻ, có thể chiếc răng ấy là điều khiếm khuyết, nhưng về già, nó lại khiến khuôn mặt chân chim của cụ hiền lành chứ không hề ác độc.
Tiếng cụ ông từ trong buồng cằn nhằn cụ bà. Tôi mạnh dạn hỏi nguyên cớ, cụ ông bảo, “cái khăn mặt tôi phơi ngoài trời, thì bà ấy lại cất nó vào trong buồng. Bà ấy vi phạm pháp luật như thế rất đáng phải nhắc nhở”. Cụ bà chẳng rằng, chỉ ngước mặt nhìn ra ngọn chuối đang bị gió đông thổi phần phật, tủm tỉm cười hạnh phúc.
“Kìa nhà anh, đò sang rồi đấy…” - tiếng cụ ông giục khi tôi còn đang chìm vào cái duyên già của hai ông bà sắp gần đất xa trời.
5. Chuyến đò quê. Khách đi đò cuối năm, có vài người như tôi mang đồ lễ sang Tết bố vợ. Vài người khác, rốn ngày cuối buôn bưởi, chuối xanh, hoa… để thêm thắt đồng tiêu Tết. Một cô trung tuổi, sau gác-ba-ga lỉnh kỉnh chai lọ, can nhựa. Cô đi đổ rượu từ chục năm nay.
Làng bên kia sông, quê vợ tôi nghèo, là xóm bãi, dân chỉ biết trồng khoai, trồng ngô, vật đổi vật, ít giao thương nên hình như rất hiếm tiền mặt. Một lít rượu cô đổi ra khoai hay thóc. Khoai, về cô bán đi; thóc, cô tích lại rồi lại tiếp tục nấu rượu, đem đi đổ. “Lấy công làm lãi. Một mẻ rượu lãi được nồi bỗng cho lợn ăn. Nhưng của đáng tội, lợn nó ăn bỗng rượu, như người ta ăn men tiêu hóa, lớn như thổi, con nào con nấy da đỏ hồng hào, chẳng giun sán gì, mà thịt nó ngon hơn lợn nuôi thóc gạo tăng trọng…”.
Anh lái đò là dân bản địa. Anh bảo: anh thầu khúc sông này, mỗi tháng trả cho xã một triệu đồng, phải tự làm đường đi, làm bến đò. Anh chèo đò từ thuở, có con bé ngày nào đi học trường làng, bố mẹ nó trả “vé tháng” là vài cân thóc; giờ, nó một nách hai con, anh vẫn lái đò. Anh quen cái khúc sông này, như biết trên mặt mình có mấy cái mụn nốt ruồi…
Mặt sông chiều cuối năm, phẳng lặng, lững lờ như người nằm thở. Dù gió đông ràn rạt khiến sóng nước đuổi nhau như người ta chạy, thế mà mặt nước vẫn sáng bừng như tráng gương.
6. Tôi về đến nhà thì trời cũng nhập nhoạng. Bác tôi chạy sang cho bát nhựa mận, không để tôi kịp thắc mắc thì đã bảo: “Bác tranh thủ đi bừa nốt khoảnh ruộng ở khu đồng cao, quên không xích con chó mực. Nó chui vào bếp, chẳng biết nghịch ngợm gì mà nhay đúng cái dây quạt điện đang quạt lò thổi bánh chưng, bị điện giật lăn ra chết. Thôi thì, trời hóa kiếp cho nó kịp sang kiếp khác vào năm mới…”.
Tôi biết con mực ấy: nó gầy còm, có phần ghẻ lở, khá lắm điều vì nó cắn nhấm nhẳng rất dai. Nhưng chả lẽ, vì điều ấy mà lại trở nên chấp nhặt để mà ghét nó?
Xâm xẩm tối thì bắt đầu có mưa bụi lây rây. Cái thứ mưa mùa xuân, giống như một đứa trẻ con, sẽ bị già dần vào những tháng về sau, rây bột xuống những đọt đào xanh non, và luồn cả vào trong bông đào bắt đầu xòe cánh. Giờ này, ngoài đường chỉ còn vài bóng người về muộn, con đường làng quê tôi, đèn điện bật sáng trưng càng làm đêm 30 cuối năm thêm sâu hun hút.
Ngoài quốc lộ có tiếng ồn ào. Một lúc thì có tiếng còi hú của xe cảnh sát, xe cứu thương… Vùng quê đêm cuối năm bỗng trở nên huyên náo. Mấy người chạy ra hóng, về, bảo: anh doanh nghiệp thành đạt đãi bạn bữa rượu liên hoan, đậu xe chật đường xóm hôm qua, chẳng biết uống rượu quá chén, chạy xe bốn bánh húc phải hai người làng bên đi hàng về muộn…
Trong nhà, bố tôi nằm trên giường hung hắng ho. Có cơn gió đi qua cửa sổ, như người ngứa tay, làm sột soạt miếng phên nứa treo dại nắng, chẳng biết là cơn gió của năm cũ hay năm mới, nó đưa về mùi bánh chưng bắt đầu nục gạo, có thể, là nồi bánh muộn mằn của một gia đình cuối cùng trong làng còn cố bươn bải đến tận giây khắc cuối của năm cũ, mang cái Tết về cho con.
Tiếng đài cát-set vẳng lại bài hát Happy new year của ban nhạc nước ngoài, ABBA. Ngoài đường, tiếng chó sủa, tiếng người đi, tiếng xe máy lúc chậm rãi, lúc vội vã. Đấy là những người đi đón giao thừa sớm, hay đi hái lộc đầu năm.
Mẹ tôi thắp ba nén nhang. Vòng khói quyện tròn, bay lên cao rồi tản ra, đưa mùi quế lan tỏa khắp nhà. Tôi thấy, trên bàn thờ, di ảnh của những người thân đã quá cố trong gia đình tôi, dường như gương mặt cũng có cái gì đó như giãn nở, giống như thửa ruộng phơi nắng lâu ngày gặp nước đổ ải.
Giây phút cuối của năm cũ. Tôi nhớ lại những chuyện cũ, chuyện anh doanh nghiệp làng có xe bốn bánh; bát nhựa mận của bác tôi; con chó đen tính nhấm nhẳng, cấm cẳn cắn nhầm dây điện lăn cổ ra chết; ông chú xách dao bầu đi giết lợn cho người làng ngày cuối năm; anh lái đò bên bến sông về quê ngoại tôi, những gương mặt trên chuyến đò cuối, chị bán rượu, vợ chồng ông bà lão bán hàng nước ở mom sông, sống hạnh phúc với nhau trong cả những điều cằn nhằn rất dấm dớ…
Ngoài kia, mùa xuân thong thả đến nhẹ nhàng như những cánh mưa bụi đang rây bột!