Theo bà Mai Thị Thanh Oanh - Giám đốc Kinh doanh và Đối ngoại Cốc Cốc, trong năm 2022, xu hướng tiêu dùng của người dùng Việt trên Internet chính là mua sắm trực tuyến và thanh toán phi tiền mặt.
Đặc biệt, ở đâu có người dùng số, ở đó có thương mại điện tử. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của người dân cho nhu cầu dịch chuyển số trong tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Tuy vậy, trong bối cảnh Tết Nguyên Đán Quý Mão đang tới gần, người dùng có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn bằng cách thắt chặt chi tiêu, ưu tiên thiết yếu.
Người Việt cũng có nhiều kỳ vọng với các nhãn hàng, đặc biệt là về giá cả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, có tới 65% người dùng quan tâm tới bình ổn giá và các chương trình giảm giá, khuyến mại. Trong đó, việc mạnh tay chi tiêu sắm sửa đầy đủ đồ gia dụng ngay khi sở hữu căn nhà mới cũng là vấn đề được quan tâm, phần nào phản ánh chất lượng và trải nghiệm quan trọng hơn giá cả.
Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và sự hồi phục của du lịch, xu hướng cao cấp hóa được người Việt thể hiện thông qua nhu cầu ăn và ở. Lượng tìm kiếm về các từ khóa “villa”, “resort”, “khách sạn 5 sao” đều tăng so với quý trước với mức tăng trưởng lần lượt là 53%, 35% và 21%.
Lĩnh vực y tế cũng đáng quan tâm sau khi trải qua 2 năm đại dịch. Cụ thể, Ngành dược được định hình nhiều năm tại các hiệu thuốc và bệnh viện đã có sự chứng kiến bước dịch chuyển mạnh mẽ sang môi trường số khi tìm kiếm trang web lẫn từ khóa liên quan tăng mạnh.
Với việc định hình xu hướng tìm kiếm tiêu dùng, doanh nghiệp thông qua đó có thể xây dựng chiến lược đa kênh hiệu quả.
"Khi công nghệ số đã và đang hiện diện trong hành trình mua sắm của người tiêu dùng, doanh nghiệp từ đó có thể nắm bắt nhu cầu của tầng lớp trung lưu để đón đầu xu hướng cao cấp hóa, bởi xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển với một lượng người tiêu dùng sở hữu sức mua tiềm năng", bà Oang nhận định.