Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Việt Nam có bờ biển trải dài trên 3.260km, có 44 cảng nước sâu, thuận tiện cho xuất, nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, tội phạm cũng lợi dụng tuyến đường biển để mua bán trái phép chất ma túy. Những năm qua, Cục C04 đã chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan, cảnh sát biển đã điều tra, khám phá, bắt giữ nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển.
Dù vậy, áp lực từ tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, khiến các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển của Việt Nam để làm nơi trung gian, đưa ma túy sang nước thứ ba tiêu thụ.
"Những tháng đầu năm 2024, liên tiếp trên bãi biển của các tỉnh miền Trung và miền Nam người dân và các lực lượng chức năng phát hiện lượng lớn chất ma túy trôi dạt trên bờ biển", Thiếu tướng Quang thông tin và cho biết ma túy chủ yếu là cocain.
Theo Phó Cục trưởng C04, cocain được đóng thành từng bánh, trọng lượng 1kg, khác với ma túy mua bán ở khu vực Đông Nam Á và các quốc gia trong khu vực.
"Qua một số vụ phát hiện, thu giữ các gói ma túy này được đóng gói và có thiết bị định vị, chứng tỏ các đối tượng thả ma túy để các đối tượng khác trục vớt ma túy đi tiêu thụ. Đây là phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm", lãnh đạo C04 nói.
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Quang cũng chỉ ra, tội phạm ma túy vận chuyển chất cấm bằng đường bộ, rồi tập kết ở các doanh nghiệp ở nước ngoài, vào nhà kho... ở Việt Nam, sau đó đóng gói, cất giấu, trà trộn lẫn các hàng hóa xuất khẩu (hạt nhựa, thức ăn gia súc, phế liệu…). Cuối cùng, ma túy được đưa xuống các cảng biển lớn để vận chuyển đi các nước khác. "Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các địa phương tích cực áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của biên phòng, hải quan, cảnh sát biển tổ chức đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trên tuyến đường biển", Thiếu tướng Quang cho hay.
Để đấu tranh với loại tội phạm cùng thủ đoạn mới này, Phó Cục trưởng C04 đánh giá là rất khó khăn.
"Ở tuyến đường biển có rất nhiều tàu, thuyền của các nước qua lại, thêm vào đó là tàu thuyền đánh cá của người dân, các đối tượng trà trộn ma túy trong các tàu thuyền. Với thủ đoạn mới các đối tượng sử dụng tàu, cải trang tàu đánh cá để theo dõi, giám sát lực lượng chức năng để cảnh giới cho các đối tượng vận chuyển ma túy tránh điểm có lực lượng tuần tra để vận chuyển ma túy".
Cục phó C04 nhận định, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa, với lượng hàng hóa qua cửa khẩu rất lớn. Đây là điều kiện khách quan, nhưng lại gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, bởi các đối tượng đã lợi dụng để trà trộn ma túy lẫn các loại hàng hóa xuất nhập khẩu để vận chuyển.
Đối với khó khăn ở "phía ta", Thiếu tướng Quang cho rằng phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh tội phạm ma túy trên biển, thiết bị kỹ thuật còn hạn chế; lực lượng phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến đường biển còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với tội phạm ma túy trên biển. Đưa ra dự báo, Phó Cục trưởng C04 cho biết, do áp lực của nhiều yếu tố, tình hình tội phạm ma túy trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp.
"Khi phát hiện vật nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển nhanh chóng báo cho các cơ quan chức năng (công an, bộ đội biên phòng) và chính quyền cơ sở ở nơi gần nhất, tuyệt đối không được cất giấu hoặc mua bán. Tôi xin nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm pháp luật hình sự", lãnh đạo C04 nhấn mạnh.