Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Phát triển kinh tế - xã hội khởi sắc
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, về kết quả kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng năm 2023, Thủ tướng ghi nhận xu hướng phát triển tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Đề cập quan điểm chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%.
Theo lãnh đạo Chính phủ, do dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này.
Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.
Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ, Thủ tướng phủ đưa ra chủ trương chuyển chính sách tiền tệ từ "chặt chẽ" sang "chắc chắn" và tiếp tục chuyển sang "linh hoạt, nới lỏng hơn". Theo Thủ tướng, việc điều chỉnh chính sách này là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Miền Bắc sẽ hết thiếu điện từ nay đến cuối năm
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời báo chí liên quan đến nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới cũng như kịch bản cung ứng.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, điện năng sản xuất, nhập khẩu tháng 6 ước đạt hơn 25,3 tỷ kWh, cao hơn 3,4% so với cùng kỳ 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm, điện sản xuất, nhập khẩu hơn 136 tỷ kWh, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề cập đến tình hình cung ứng điện tháng 5 và tháng 6 gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng nêu nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài nhu cầu tiêu thụ điện tăng, tình hình thủy văn không thuận lợi, lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, cùng với các khó khăn trong vận hành, sửa chữa các nhà máy điện đã ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương, đặc biệt là các địa phương khu vực phía Bắc.
Bên cạnh đó, trong những ngày cuối tháng 6, lưu lượng nước về các hồ thủy điện có cải thiện, mực nước các hồ đã được nâng lên, một số tổ máy nhiệt điện gặp sự cố đã được khắc phục vận hành trở lại, đồng thời với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và kịp thời của Thủ tướng và Bộ Công Thương, hệ thống điện miền Bắc đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phụ tải.
Trong tháng 7, công tác vận hành hệ thống điện còn khó khăn, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc khi thời tiết được dự báo còn xảy ra các đợt nắng nóng trong khi mực nước các hồ thủy điện có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.
Đồng thời, EVN phải chủ động xây dựng kịch bản ứng phó các tình huống khó khăn trong cung ứng điện, cũng như các kịch bản điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết.
Để khắc phục tình trạng thiếu điện, cắt điện tại miền Bắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ bốn giải pháp. Cụ thể: Cung cấp đủ nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện; hạn chế tối đa sự cố và nhanh chóng khắc phục sự cố nếu có; vận hành hợp lý nguồn thủy điện và làm tốt công tác tiết kiệm điện.
Về lâu dài, Thứ trưởng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án nguồn, lưới điện để đáp ứng nhu cầu điện về dài hạn.
Trong bối cảnh thời gian tới khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình. Thủ tướng cũng yêu cầu đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, sát thực tiễn, hiệu quả, đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ.
Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.