Toàn huyện Yên Châu có khoảng 200 ha tỏi, năng suất đạt 20-25 tấn/ha, trồng chủ yếu ở các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán... Giống tỏi tía thường có nhiều nhánh được người dân lựa chọn trồng phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có giống tỏi một nhánh hay còn gọi là “tỏi cô đơn” có mùi thơm đậm hơn, vị cay nồng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đa phần tỏi Yên Châu sau khi thu hoạch thường được tiêu thụ dưới dạng tươi hoặc đã qua phơi khô, chủ yếu chỉ để làm gia vị trong bữa ăn hằng ngày, nên việc bảo quản không được lâu, giá trị kinh tế không cao.
Nâng cao giá trị sản phẩm tỏi, từ năm 2016, HTX Tây Bắc, bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, đã nghiên cứu, sản xuất thành công sản phẩm tỏi đen. Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc, chia sẻ: Qua tìm hiểu, sản phẩm tỏi đen có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh tim mạch, ung thư, tăng cường sức đề kháng... Với lợi thế là địa phương có diện tích trồng tỏi lớn, nguyên liệu đầu vào nhiều, giá cả hợp lý, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm tỏi đen.
Trong quá trình sản xuất, sản phẩm tỏi đen của HTX hoàn toàn không có chất phụ gia hay chất bảo quản, là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Một trong những yêu cầu quan trọng, tạo được sản phẩm tỏi đen đạt chất lượng là nguồn nguyên liệu. Vì vậy, HTX Tây Bắc đã lựa chọn, ký hợp đồng thu mua tỏi tươi của các hộ dân ở xã Chiềng Đông, vì chất lượng tỏi ở đây được đánh giá cao, diện tích trồng khá ổn định với trên 80 ha.
Tỏi tươi sau khi thu hoạch, được các thành viên HTX Tây Bắc phân loại, rửa sạch, cắt bỏ rễ, phần đầu cuống, sau đó, xếp vào các khay đưa vào lò ủ, duy trì nhiệt độ của lò ủ ở mức 60-80oC phù hợp với từng giai đoạn; ủ liên tục trong 30 ngày đến khi vỏ củ tỏi khô lại, tép tỏi bên trong chuyển màu đen, dẻo, mềm, ngọt và không còn mùi cay hăng như tỏi tươi. Sản phẩm tỏi đen đã khô chỉ cần bảo quản nơi thoáng mát, có thể sử dụng trong 2 năm.
Hiện nay, HTX có 8 máy làm tỏi đen, trong đó 4 máy chuyên ủ men và 4 máy sấy; công suất mỗi máy khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ. Mỗi tháng, HTX sản xuất 3 tấn tỏi đen, giá bán 800 nghìn đồng/kg, chủ yếu xuất bán tại các thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa... cho doanh thu 2,5-3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX phát triển thêm các sản phẩm rượu tỏi đen, mật ong ngâm tỏi đen… với thương hiệu “Diệp Bách” được người tiêu dùng ưa chuộng.
Phát triển ý tưởng kinh doanh từ sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương, năm 2021, HTX Tuổi trẻ 26/3 cũng lựa chọn sản phẩm tỏi Yên Châu để đưa vào sản xuất, xây dựng thương hiệu “Tỏi đen Châu Yên”, “Tỏi đen Hoshi”.
Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3, chia sẻ: Nhận thấy địa phương trồng rất nhiều tỏi nhưng chỉ bán nhỏ lẻ, giá trị sản phẩm chưa cao, đã thôi thúc chúng tôi nghiên cứu công nghệ lên men để tạo sản phẩm tỏi đen một nhánh. Nguyên liệu tỏi đầu vào được HTX chọn lọc kỹ, không có chất bảo quản; tỏi lên men đủ ngày, đảm bảo quy trình chuẩn, an toàn, vệ sinh theo công nghệ của Nhật Bản.
Anh Nguyễn Văn Toàn cho biết thêm: Công nghệ lên men tỏi đen được nghiên cứu từ lâu, có nhiều thiết bị làm tỏi đen, nhưng giá máy rất đắt, do vậy giá thành sản phẩm tỏi đen thường rất cao. Vì thế, HTX tự nghiên cứu, chế tạo máy lên men tỏi đen với cấu tạo máy sử dụng vật liệu đơn giản, chi phí sản xuất máy rẻ hơn các máy cùng công suất bán trên thị trường khoảng 200 triệu đồng.
Hiện nay, máy lên men tỏi đen của HTX đạt công suất 400kg tỏi tươi/mẻ, nhiệt độ điều khiển tự động theo từng giai đoạn khác nhau. Quá trình lên men diễn ra liên tục, chính xác, chất lượng sản phẩm tỏi đen làm ra đồng đều. Với 400kg tỏi tươi, sau 35-45 ngày lên men, cho ra khoảng 200kg tỏi đen.
Đáp ứng nhu cầu thị trường, các thành viên HTX Tuổi trẻ 26/3 tiếp tục nghiên cứu giải pháp điều khiển tự động, giám sát từ xa trên máy tính hoặc điện thoại với toàn bộ 20 lò lên men tỏi đen của HTX. Mỗi năm, HTX bán ra thị trường khoảng 10 tấn tỏi đen, doanh thu trên 4 tỷ đồng, tạo việc làm hơn 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, sản phẩm tỏi đen của HTX được xây dựng để đạt tiêu chuẩn 4 sao trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); HTX cũng đang xây dựng thương hiệu “Tỏi đen Hoshi” đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt phục vụ xuất khẩu ra thị trường các nước.
Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Toàn huyện có 2 HTX và một số hộ nhỏ lẻ tham gia sản xuất tỏi đen. Hiện tại, tỏi đen là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu mà huyện đang xây dựng thương hiệu. Huyện khuyến khích các HTX quan tâm đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chú trọng đưa sản phẩm tỏi đen lên các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng phân phối, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá thương hiệu, tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; người dân trồng tỏi có thêm cơ hội nâng cao thu nhập.
Các HTX trên địa bàn huyện Yên Châu tận dụng vùng trồng tỏi lớn, phát triển sản xuất sản phẩm tỏi đen cho giá trị kinh tế cao. Bước đầu cho thấy sự thay đổi trong tư duy, tổ chức sản xuất, tăng cường chế biến, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, góp phần đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm giá trị của sản phẩm tỏi địa phương.