'Treo' hàng thập kỷ khi nào dự án Saigon Panorama của công ty Vinh Phát bị thu hồi?!

Dự án Saigon Panorama thuộc lô 13-14 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) ban đầu được Nhà nước thu hồi đất để giao cho Công ty Thanh niên Xung phong xây dựng khu nhà ở tái định cư, cây xanh, đường giao thông, nhà trẻ mẫu giáo… Giai đoạn 2, dự án này lại bất ngờ "đổi chủ" về tay Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát của doanh nhân Trần Ngọc Trung.

Chuyển đổi mục đích sử dụng, thay đổi chủ đầu tư… có thể xem là vấn đề phức tạp nhất trong việc triển khai xây dựng công trình, theo khảo cứu của các chuyên gia thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Đang thanh tra dự án Saigon Panorama

Ngày 20/6, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM thông tin đến phóng viên Tạp chí Người Xây dựng về việc UBND TP.HCM vừa thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn bộ dự án Saigon Panorama thuộc lô 13-14 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát. Cũng theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, giai đoạn 1 (Khu 1) của dự án thì pháp lý vẫn là của Công ty Thanh niên Xung phong, giai đoạn 2 (Khu 2) đã “đổi chủ” sang Công ty Vinh Phát.

“Treo” hơn 20 năm Dự án Saigon Panorama không những lãng phí nguồn lực đất đai mà còn gây mất mỹ quan đô thị Thành phố.

Trước đó Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về việc báo cáo tình hình xử lý dự án đầu tư có sử dụng đất để chuẩn bị cho cuộc họp Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Theo đó, tại Khu phức hợp cao tầng, thương mại dịch vụ và căn hộ tại phường 22, quận Bình Thạnh -Saigon Panorama của Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát, Văn phòng UBND TP.HCM có văn bản gửi Thanh tra Thành phố về dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng Lô 13-14 (giai đoạn 2), phường 22, quận Bình Thạnh.

Ngày 22/3/2023, Thanh tra thành phố đã tổ chức cuộc họp với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Ban Tiếp công dân Thành phố, UBND quận Bình Thạnh về xử lý đơn của công dân liên quan.

Sau khi tổng hợp ý kiến của các cơ quan, Thanh tra Thành phố đã tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, UBND Thành phố đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng Lô 13-14 giai đoạn 2, phường 22, quận Bình Thạnh.

Được biết, vào ngày 30/9/2010, UBND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã ban hành Quyết định số 6111/QĐ-UBND-QLĐT về Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 Khu phức hợp cao tầng văn phòng, thương mại – dịch vụ và căn hộ tại Khu 2 (giai đoạn 2) của Công ty CP Đầu tư Vinh Phát.

Theo đó, diện tích khu vực quy hoạch tại khu 2 (giai đoạn 2) là 14.429,9m2, gồm lô A diện tích 2.660m2 và lô B diện tích 11.769,9m2. Về cơ cấu sử dụng đất, dự án có 6.493m2 đất xây dựng công trình, tỷ lệ 45% (văn phòng – lô A là 1.197m2, căn hộ kết hợp thương mại – dịch vụ - lô B là 5.296m2); đất sân vườn, giao thông nội bộ là 4.714m2; đất cây xanh, công viên là 2.180m2; Mật độ xây dựng chung (trên diện tích 14.429m2) là 45%; chung cư cao 37 tầng, văn phòng 33 tầng, thương mại dịch vụ 6 tầng; tổng diện tích sàn xây dựng (chưa kể tầng hầm, lửng, sân thượng vầ tầng kỹ thuật) khoảng 118.300m2…

Cách hàng chục ngàn m2 “đất vàng” về tay công ty của doanh nhân Trần Ngọc Trung

Theo thông tin phản ánh trên báo Lao Động, ngày 12/4/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 427/QĐ-TTg, với nội dung thu hồi 29.827m2 đất (lô 13 và 14), phường 22, quận Bình Thạnh, để giao cho Công ty Thanh niên Xung phong đầu tư xây dựng khu nhà ở tái định cư đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Đến ngày 18/6/2003, UBND TP.HCM lại ra tiếp Quyết định số 2720/QĐ-UB thu hồi tiếp 13.070 m2 khu đất giai đoạn 2 giao cho Công ty Thanh niên Xung phong đầu tư khu nhà ở cao tầng.

Đến tháng 4/2007, UBND TP ra Quyết định 1365/QĐ-UB thay đổi chủ đầu tư, giao 2 khu đất giai đoạn 1 và 2 cho Công ty TNHH Nông sản Vinh Phát bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư thực hiện dự án. Theo đó, khi dự án hoàn thành, Công ty Vinh Phát phải bán lại cho thành phố một số căn hộ để bố trí tái định cư cho các dự án khác.

Ngày 20/6, PV Tạp chí Người Xây dựng có buổi làm việc với đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM.

Vào thời điểm 2011, trang Chinhphu.vn cũng có bài viết đặt ra nghi vấn: Dự án khu nhà ở cao tầng lô 13 - 14 (giai đoạn 2), theo quyết định của UBND TP. HCM là dự án kinh doanh nhưng chủ đầu tư lại áp giá đền bù, tái định cư cho dân như cácdự án phục vụ lợi ích công cộng. Việc làm này không đúng quy định của Luật Đất đai năm 2003, trái với Nghị định 197/NĐ-CP ngày 3/12/2004 và Nghị định 17/NĐ-CP ngày 7/12/2004 của Chính phủ.

Hơn 20 năm kể từ ngày dự án được giao đất, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát vẫn chưa hoàn thành dự án, chưa giải phóng xong mặt bằng, tiếp tục quây tôn, cỏ cây mọc um tùm, nhiều phần đất có dấu hiệu “xẻ” ra cho thuê trái phép(bãi trông giữ xe, cửa hàng cây cảnh, kho, nhà xưởng…), gây lãng phí nguồn lực đất đai…

Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013 quy định: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”. Vậy, trường hợp dự án Saigon Panorama treo hơn 20 năm có thuộc diện phải thu hồi không?

Hệ sinh thái của Vinh Phát

Thành lập từ năm 1992, Công ty Cổ phần Đầu tư Vinh Phát (Vinh Phat Investment Corporation) của doanh nhân Trần Ngọc Trung là một trong những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam. Trải qua hơn 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay các sản phẩm gạo của Vinh Phát với nhiều thương hiệu nổi tiếng đã có mặt tại 150 quốc gia trên toàn thế giới, đạt được nhiều chứng nhận và giải thưởng danh giá, trở thành đối tác của một số doanh nghiệp lớn hàng đầu Châu Á. Vinh Phát hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu Việt Nam với 3 lĩnh vực chính: Sản xuất và xuất khẩu gạo – Bất động sản – Khai thác thương mại dịch vụ. Trong đó, bất động sản sẽ là lĩnh vực mũi nhọn trong những năm tới với mong muốn kiến tạo những dự án chất lượng với không gian sống hiện đại, mang lại trải nghiệm tuyệt vờicho cư dân.

Về bất động sản, Vinh Phát hiện đang có các dự án như: Dự án khu dân cư Bình Điền Panorama, địa chỉ: E5/1 Nguyễn Hữu Trí, Tân Túc, Bình Chánh, TP.HCM, diện tích 2,2 ha; Khu căn hộ Cao cấp Sài Gòn Panorama (Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM), diện tích 1,5ha; Dự án Lumera Beach đường Trần Hưng Đạo, xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, diện tích 5,7ha; Khu đô thị Bắc Dương Đông 67 ha ở Phú Quốc (Kiên Giang); Nhà máy Vinh Phát Wilmar ở TP.Long Xuyên, Tỉnh An Giang, diện tích 6ha.

Bạn đang xem bài viết 'Treo' hàng thập kỷ khi nào dự án Saigon Panorama của công ty Vinh Phát bị thu hồi?! tại mục Sức Khỏe do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.