Nhu cầu phụ tải tăng cao hơn dự báo
Để đảm bảo dự phòng cho cung ứng điện mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng từ tháng 4 đến tháng 7) năm 2024 với kịch bản nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao 9,6%.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết ngày 25 tháng 3 năm 2024, lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, nhu cầu phụ tải thực tế tăng khoảng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giữa bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, các đơn vị đã huy động tăng cao các nguồn, kết hợp với giải pháp tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung hỗ trợ thêm cho miền Bắc. Vì vậy điện trong 3 tháng đầu năm đã được đảm bảo tốt dù phụ tải tăng cao.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn điện, lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) để tính toán, cập nhật Kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô sắp tới (từ tháng 4 đến tháng 7).
Theo đó, trong đợt cao điểm này, tăng trưởng phụ tải điện nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn so với kịch bản được dự báo từ cuối năm 2023. Bộ sẽ rà soát, cập nhật lại Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 trên cơ sở tính toán cập nhật của EVN.
Thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp
Để chủ động chuẩn bị cung ứng điện mùa khô năm 2024, Bộ Công Thương và các đơn vị chức năng đã tổ chức các đoàn công tác làm việc thực tế với các đơn vị điện lực tại các khâu: phát điện – truyền tải điện – phân phối điện để rà soát công tác chuẩn bị phương án đảm bảo điện.
Bộ Công Thương đang tập trung chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Tập đoàn/Tổng công ty có liên quan quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô,
Thứ nhất, đảm bảo cung cấp đủ, liên tục nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu than, khí cho nhu cầu sản xuất điện.
Thứ hai, tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các thiết bị của nhà máy điện, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng để đảm bảo độ khả dụng cao nhất của các tố máy phát điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện ở khu vực miền Bắc.
Thứ ba, điều tiết hợp lý các hồ chứa thủy điện với mục tiêu đảm bảo dự phòng công suất điện năng của hệ thống điện ở mức cao nhất có thể trong các tháng cao điểm mùa khô.
Thứ tư, tăng cường công tác rà soát hành lang lưới điện truyền tải 500-220kV, kiểm tra các thiết bị trên hệ thống truyền tải điện để kịp thời phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế thấp nhật các trường hợp sự cố có thể xảy ra.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tiết kiệm điện, triển khai chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), đặc biệt tập trung vào các tỉnh lớn, phụ tải cao, có nhiều tiềm năng triển khai chương trình. Chủ động tăng cường làm việc với các khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng tiêu thụ điện lớn để thống nhất các phương án điều chỉnh phụ tải điện và thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện.
Thứ sáu, tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các công trình lưới điện nhằm giải tỏa công suất các nguồn điện, tăng khả năng truyền tải điện, đặc biệt là công trình đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối theo tiến độ được giao.
Bộ Công Thương cũng kêu gọi các địa phương đơn vị, người dân,doanh nghiệp triệt để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nhất là nhóm khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn.