Trong ngày đầu tuần 5/8, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có một khởi đầu tồi tệ khi sụp đổ trên khắp châu Á. Tình hình này là do Nhật Bản tăng lãi suất lên cao đột ngột vào tuần trước, góp phần gây ra nhiều đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt rớt thảm hại
Tại khu vực châu Á, chỉ số Nikkei 225 tiêu chuẩn của Nhật Bản đã giảm tới 13%, đóng cửa giảm 12,4% với 4.451 điểm. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng đóng cửa giảm 9% sau khi ngừng giao dịch vào đầu ngày. Chỉ số Sensex của Ấn Độ cũng giảm 3,1% vào đầu giờ chiều theo giờ địa phương.
Năm nay, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đã chịu những áp lực lớn do kinh tế đất nước khó khăn. Chỉ số CSI 300 của nước này giảm 1,3%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm tới 2,8%. Tại trị trường Đài Loan, chỉ số Taiex đóng cửa giảm 8,4% với ngày 5/8 được ghi nhận là ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán nước này.
Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 trên toàn khu vực đã giảm 2,5% trong giao dịch đầu tuần. Tại London, chỉ số FTSE 100 cũng giảm hơn 2%.
Ngay cả tại nền kinh tế lớn như Mỹ, thị trường cũng sụt giảm khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Vào lúc 2h11 sáng theo giờ miền Đông, chỉ số tương lai S&P 500 giảm 2,8%. Trong khi đó, chỉ số tương lai Dow Jones Industrial Average giảm 1,6%; chỉ số tương lai Nasdaq 100 giảm 4,8%. Đặc biệt, đồng Bitcoin giảm tới 14% trong 24 giờ qua.
Tại sao đồng Yên Nhật tăng mà thị trường chứng khoán thế giới bị ảnh hưởng?
Được biết, vào ngày 31/7, Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan - BOJ) đã tăng lãi suất từ mức 0 - 0,1% lên 0,25%. Đây là mức cao nhất trong 15 năm qua tại Nhật. Lãi suất của BOJ tăng đã kéo theo đồng Yên tăng lên 7,5% chỉ trong 5 ngày giao dịch. So với đồng USD, đồng Yên giảm 1,6%. Đến phiên giao dịch ngày 5/ 8, đồng Yên đã tăng tới 3,3% lên mức 141,7 Yên đổi 1 USD.
Mặc dù mức tăng có vẻ thấp nhưng cũng có thể gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán của cả thế giới. Lý do là vì đồng Yên là trọng tâm của giao dịch chênh lệch lãi suất. Các nhà giao dịch thường thu lợi nhuận từ sự chênh lệch lãi suất trên toàn thế giới. Ở góc nhìn bao quát, thị trường ngoại hối là rất lớn nên hậu quả kéo theo cũng lớn. Theo một cuộc khảo sát, tổng thị trường chứng khoán toàn cầu đạt mức kỷ lục 7,5 nghìn tỷ USD mỗi ngày vào tháng 4/2022.
Trong khi nhiều nhà đầu tư lao đao vì Nhật Bản tăng lãi suất nhưng so với thế giới, quốc gia này đã giữ mức lãi suất cực thấp trong nhiều thập kỷ kể từ những năm 1990 - thời kỳ bong bóng tài sản nổ tung. Thậm chí, sau đại dịch COVID, Nhật Bản vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng trung ương lớn ở quốc gia khác cũng đã rục rịch tăng lãi suất dần dần. Sự kéo dài của lãi suất thấp tại Nhật Bản đã gây ra tình trạng giảm phát dai dẳng.
Việc tăng lãi suất của BOJ cũng đã thổi bùng thêm tâm lý tránh rủi ro trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo phân tích của Tập đoàn Tài chính ING (Hà Lan), việc tháo gỡ các hợp đồng bán khống đồng Yên đang góp phần vào môi trường rủi ro toàn cầu. Ông Vishnu Varathan, Giám đốc Kinh tế của Mizuho Bank châu Á cho biết trong thời gian tới, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ còn nhiều sóng gió ở phía trước, đặc biệt là với các tài sản rủi ro.