Việt Nam sẵn sàng biến thách thức thành cơ hội để ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhận thức được các nguy cơ của các thảm họa hiện nay, Việt Nam sẵn sàng cùng Quốc tế biến các thách thức hiện nay thành cơ hội để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu.

Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tại buổi trao đổi về ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai cam kết của Việt Nam tại COP 26 và các vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay với ông Thomas J. Vallely, Cố vấn cao cấp của Chương trình Đông Nam Á, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng cùng Quốc tế biến các thách thức hiện nay thành cơ hội để bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, phát triển bền vững cũng như đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách để thích ứng với BĐKH.

Tuy nhiên, hiện nay thế giới đang đứng trước thách thức rất lớn do BĐKH, và Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); ảnh hưởng của BĐKH là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi quốc gia. (Ảnh minh họa)

Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ông Thomas J. Vallely chia sẻ về tình hình, kinh nghiệm ứng phó với BĐKH trên thế giới cũng như các chính sách phát triển năng lượng tại Việt Nam. Ông Thomas J. Vallely đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam cũng như cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26.

Cùng trao đổi về các chương trình thích ứng với BĐKH, BVMT, tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo…, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn có cùng mục tiêu với ông Thomas J. Vallely trong việc phát triển bền vững.

Hiện nay, nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, Việt Nam đã chủ động và khẩn trương để biến thách thức thành hành động, triển khai xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH, BVMT, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu chung cần có sự tham gia của các quốc gia, sự hợp tác của các tập đoàn, doanh nghiệp, các đối tác cả trong nước và quốc tế.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh mong muốn sau chuyến công tác lần này, ông Thomas J. Vallely sẽ tiếp tục quan tâm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; là cầu nối để Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ về tài chính và công nghệ để triển khai các cam kết tại COP26, BVMT, đặc biệt là hỗ trợ và hợp tác thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Hiện thực hóa các chính sách khí hậu

Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Để thực hiện các mục tiêu khí hậu, Việt Nam cần có các chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể.

Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Tiếp đó, các văn bản quan trọng khác cũng đã được ban hành, trong đó bao gồm nhiều quy định mới trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, như: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu...

Luật Bảo vệ môi trường 2020 là căn cứ pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu với cộng đồng quốc tế.

Đây cũng là cơ sở để quản lý các hoạt động phát thải khí nhà kính, tiền đề phát triển thị trường các-bon; thực hiện các biện pháp quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo điều ước quốc tế về bảo vệ tầng ô-dôn mà Việt Nam tham gia là thành viên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, toàn cầu, toàn dân, có tính chất lâu dài, chúng ta phải thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Thủ tướng nêu rõ, đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.