Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1%; nhập khẩu giảm 18,2%.
Cụ thể, về xuất khẩu, tháng 6/2023 ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8 tỷ USD, giảm 0,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,3 tỷ USD, tăng 6,4%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2023 giảm 11,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 8,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 12,6%.
Như vậy, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,4 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,9% so với quý 1 năm 2023.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,22 tỷ USD, giảm 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98,98 tỷ USD, giảm 17,8%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023 có 28 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 84,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 142,66 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 49,7%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng ước đạt 9,54 tỷ USD, chiếm 6,3%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc 24,5 tỷ USD, giảm 30,9%; nhập siêu từ Hàn Quốc 13,4 tỷ USD, giảm 34,8%; nhập siêu từ ASEAN 4 tỷ USD, giảm 39,1%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Trong quý 2 năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 76 tỷ USD, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,2% so với quý 1 năm 2023.
Trong quý II năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD (trong đó đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 3,8 tỷ USD), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 là 4,1 tỷ USD.
Có thể thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả nhất định thông qua con số kim ngạch xuất khẩu khởi sắc của tháng 6. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ như đẩy mạnh đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).