Thật là một con số đáng báo động!
Có mấy đơn vị được coi là dẫn đầu về giải ngân cũng chỉ đạt mức dưới 50%, như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (47%), Bộ Giao thông Vận tải (31%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hơn 30%); có bộ chỉ giải ngân được 4 đến 5% và có những bộ... không tiêu được đồng nào. Ở các địa phương, tình trạng ì ạch kể trên cũng một gam màu như các cơ quan trung ương.
Năm 2023, có 50 địa phương trên cả nước được giao hơn 34.515 tỷ đồng vốn ODA. Trong nửa đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn ODA của các địa phương trên cả nước rất thấp, khoảng 6,32%. Đáng lo ngại là, chỉ có 8/50 địa phương giải ngân đạt hơn 15%, có tới 13 địa phương chưa tiêu được đồng nào.Riêng thủ đô Hà Nội triển khai khá nhiều giải pháp tích cực, đã giải ngân 3.371,4 tỷ đồng, trong đó, vốn ODA cấp phát là hơn 2.260,8 tỷ đồng, vốn ODA cho vay lại là hơn 1.110 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/6, thành phố đã giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài hơn 940,813 tỷ đồng, tương đương 27,91%. Tuy được đánh giá có nhiều cố gắng nhưng vẫn là con số ở mức rất thấp.
Tình trạng có tiền không tiêu được vì vướng đủ thứ đã kéo dài trong mấy năm qua, nhất là trong hơn hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Từ Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo các cơ quan hữu quan liên tục cảnh báo, nhắc nhở chuyện giải ngân quá chậm. Rất nhiều yêu cầu được đưa ra, như hủy dự toán, dự án; xử lý cán bộ kém năng lực hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, tuy nhiên cũng chưa thấy vị lãnh đạo nào bị gọi tên vì “không tiêu được tiền”.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới sự đóng băng này có nhiều và đã kéo dài, hội nghị nào cũng nói, cơ quan, đơn vị nào cũng nói. Nào là, do chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư; do chưa hoàn tất ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế; do vướng mắc, tranh chấp giữa nhà thầu và chủ đầu tư về giá trị trượt giá, khối lượng, giá trị cuối cùng. Nào là việc tháo gỡ vướng mắc khi áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa kịp thời; đơn giá bồi thường đất đai chưa sát thực tế, khiến dự án chậm triển khai; giá cả vật liệu xây dựng tăng chóng mặt; nguồn vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục lây nhây, sửa một vài dòng, điều chỉnh vài con số có khi mất mấy tháng.
Cũng phải kể đến việc một số gói thầu nằm yên trên giấy do việc chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư, v.v và v.v.. Kể ra một thôi một hồi như thế rồi kết luận: Những vướng mắc nêu trên thuộc trách nhiệm xử lý của Ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản dự án và các nhà tài trợ.
Thú thật, nghe mãi cái nguyên nhân này mà chán quá. Toàn là lỗi “khách quan”, chả thấy lỗi chủ quan, chả thấy con người đâu. Trong hội nghị người đứng trên bục thì chối bay trách nhiệm, người ngồi dưới thì lắc đầu: Chả phải như các vị ấy nói đâu, lỗi chủ quan, lỗi do con người là chính đấy. Cái tổ con tò vò là ở chỗ, người ta tiêu tiền to thì được bỏ túi bao nhiêu tiền nhỏ trong cái gói ấy? “Lò” chống tham nhũng đang cháy rừng rực, dây vào khoản hoa hồng có khi mất ghế. Vậy nên, không ít vị chọn cách chả làm gì, nhiệm kỳ sắp hết rồi, tuổi hưu sắp đến rồi, khỏi lo hạ cánh không an toàn (!).
Chúng ta đều biết, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì phải làm thật tốt việc giải ngân nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nói riêng và đầu tư công nói chung. Nói giải ngân chậm nghe có vẻ không có gì nguy cấp, thật ra thì đó là một sự thật rất đáng lo: tiền đi vay nằm yên trong kho bạc, lãi suất vẫn phải trả, do tiền chi không hết mà dẫn đến lãng phí ghê gớm, tăng gánh nặng cho ngân sách.
Chính phủ đã có nhiều biện pháp quyết liệt để khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công. Gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ. Đồng thời kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ vì lý do chủ quan; xử lý nghiêm các trường hợp chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, dây dưa trong việc giải ngân, làm chậm tiến độ.
Khâu đột phá nào để khơi thông điểm nghẽn? Hay nói giản dị như các lão nông Nam bộ là, làm sao tiêu tiền? Thưa rằng, nếu ở nơi nào không đủ khả năng giải ngân do đóng băng quá lâu thì đề nghị hủy, chuyển dự toán cho dự án khác. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công. Thay thế, cách chức ngay những cán bộ, nhất là người đứng đầu không đủ năng lực, né tránh trách nhiệm, không muốn làm vì không được hưởng lợi, không chịu làm vì khó tìm ra kẽ hở để chia chác trong nhóm lợi ích, những người này dân gian gọi là “chưa động mõ đã gõ thớt”.
Chưa có cách làm hay nhất thì tiếp tục suy nghĩ, chứ không phải là không có cách làm.