Vướng nhiều rào cản, doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Đến thời điểm này, hầu như các doanh nghiệp (DN), trong đó các DN du lịch, chưa tiếp cận được gói hỗ trợ 2% của Chính phủ do đối mặt nhiều rào cản. Không ít DN dệt may, bất động sản và xây dựng vướng nợ đọng; trong khi các gói giãn và giảm thuế về tài chính tác dụng quá ngắn...

Khó tiếp cận được gói hỗ trợ 2%

Những khó khăn, rào cản này đã được đại diện các DN và hiệp hội DN phản ánh tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các DN diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành sáng ngày 11/8.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, ngành du lịch nói chung cũng như Vietravel đưa ra 3 chiến dịch: rã đông, phục hồi, phát triển. Trong giai đoạn phục hồi hiện nay, sức ép về tài chính rất lớn.

Với đặc thù vừa là DN du lịch vừa là DN lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên với Vietravel sức ép tài chính không hề nhỏ. DN vừa phải trả nợ cũ đến hạn, chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc DN, xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ; vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. Mặc dù Chính phủ có chương trình hỗ trợ người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.

 Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel phản ánh khó khăn của DN du lịch. (Ảnh: VGP)

"Đến thời điểm này, hầu như các DN, trong đó có các DN du lịch không tiếp cận được chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm từ gói ngân sách 40.000 tỉ đồng bởi vướng nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp. Nhưng tài sản của DN trong 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19 đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được", ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu.

Có nhiều nguyên nhân khiến các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến DN, trong đó nổi bật là mức giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% quá ít. Du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, cơ quan quản lý Nhà nước nên quan tâm hơn. Việc quay lại mức giảm thuế VAT 5% là cần thiết.

Thêm vào đó, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều. Đề nghị phải xem lại chính sách này.

Nguy cơ phá sản vì nợ đọng

Trong khi đó, theo phản ánh của ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS): Trong thời gian chống dịch COVID-19 vừa qua, tiềm lực về vốn, tài chính của nhiều DN khá khó khăn. Trong khi đó, những DN đọng tiền hoàn thuế VAT trên 5 tỷ trong thời gian dài. VITAS kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính quy định thuế cho sản xuất dệt may xuất khẩu tại chỗ.

Với lĩnh vực xây dựng và bất động sản, đề cập đến vấn đề nợ đọng xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các DN, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng. Hầu hết các DN đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ. Trong khi đó, nguồn vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm.

 Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các DN, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng. (Ảnh: VGP)

Do vậy, có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ. Chính vì những khoản nợ đọng này nên các DN xây dựng, đặc biệt các DN nhỏ và vừa, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

Ở góc độ địa phương, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay: 6 tháng đầu năm 2022, tất cả các lĩnh vực đều tăng trưởng, chỉ riêng lĩnh vực bất động sản là tăng trưởng âm, giảm 5,62% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình trạng lệch pha về cung cầu và lệch pha về cung ứng thị trường dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm vừa qua. Hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản hiện nay có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng. DN có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu. Riêng quý I/2022 và tháng 7/2022, các DN bất động sản không phát hành được trái phiếu nào.

Cần kéo dài chính sách hỗ trợ đến hết năm 2023

Đại diện cho cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chương trình hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết. Đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32 bởi việc bảo đảm nguồn vốn cho DN từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng.

 Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 32.

Tổng hợp các ý kiến, phản ánh của các DN thành viên, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời với việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DN. Qua đó hỗ trợ kịp thời DN trước áp lực về giá, chi phí sản xuất và sinh hoạt tăng cao.

Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các DN nhỏ và vừa. Trong đó, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp, nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo...

Với việc chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức của ngành, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Đề xuất Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn bổ sung những ưu tiên hợp lý cho tín dụng xây dựng, đặc biệt là các dự án trọng điểm theo quan điểm hỗ trợ cho sản xuất.

Chia sẻ với những khó khăn của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: Toàn ngành ngân hàng đã có chính sách miễn, giảm lãi suất, phí cho DN và người dân với nguồn lực tài chính cho đến nay vào khoảng 50.000 tỷ đồng. Trong lúc DN gặp khó, NHNN đã ban hành các chính sách cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vốn vay, giữ nguyên nợ. Bằng cách này có thể giúp DN vay vốn của hệ thống ngân hàng khi gặp khó khăn và chưa trả nợ được.

Lắng nghe ý kiến của DN, Ngân hàng Nhà nước cảm nhận áp lực từ nhiều phía. Ví dụ đối với lãi suất, DN muốn giảm, nhưng người gửi tiền trong bối cảnh lạm phát tăng cao cũng cần có mức lãi suất phù hợp...

Bạn đang xem bài viết Vướng nhiều rào cản, doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.

TIN LIÊN QUAN