Những vụ cháy thảm khốc, nhiều người tử vong
Mới đây, ngày 16/6 vừa qua, xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm tại số nhà 207 Định Công Hạ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, làm 4 người tử vong. Theo thông tin ban đầu, đám cháy khởi phát từ vị trí tầng 4 của ngôi nhà có 6 tầng và 1 tum. Từ tầng 1 đến tầng 3 của ngôi nhà dùng để kinh doanh thiết bị vệ sinh, sơn và vật liệu xây dựng. Tầng 4 và tầng 5 có ban công, tầng 6 được chủ nhà lắp khung kính, trên tum được quây kín "chuồng cọp".
Trước đó, ngày 24/5/2024, xảy ra vụ hỏa hoạn thương tâm tại nhà ở gia đình và cho thuê để ở tại địa chỉ số 1, ngõ 43/98/31, phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, khiến 14 người tử vong và 3 người bị thương.
Hay vụ cháy "chung cư mini" trong hẻm 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vào tháng 9/2023 đã làm hơn 50 người thương vong. Chung cư này được thiết kế 10 tầng, diện tích hơn 200 m2 với hơn trăm người sinh sống. Trong đó có 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng có 5 căn hộ với diện tích từ 35-56m2/căn, chủ yếu là sinh viên và hộ gia đình sinh sống.
Ngoài những vụ cháy kể trên, còn rất nhiều vụ hỏa hoạn đã diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về việc thực hiện nghiêm các quy định về an toàn PCCC và cứu hộ cứu nạn của người dân.
Có thể thấy, hiểm họa cháy nổ có nguy cơ xảy ra ở bất kể nơi đâu và ở mọi thời điểm. Hậu quả của nó là để lại những mất mát, tổn thất không hề nhỏ. Để giảm thiểu thiệt hại từ hiểm họa cháy nổ, thì bên cạnh ý thức chủ động, cảnh giác của từng người dân, từng hộ gia đình và mỗi cơ quan, đơn vị, thì nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả, hiệu lực của công tác an toàn PCCC và cứu hộ cứu nạn là hết sức quan trọng và cấp bách.
Tại buổi họp báo thông báo tình hình kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 do Bộ Công an tổ chức ngày 8/7 vừa qua, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin kết quả kiểm tra, rà soát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với nhà trọ; chung cư mini; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; trường mầm non, nhóm trẻ; cơ sở phòng khám tư nhân;... trên địa bàn TP Hà Nội.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết, đối với nhà trọ: Công an TP Hà Nội đã tổ chức kiểm tra đối với 36.972/36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn Thành phố; xử phạt 3.134 trường hợp/4310 hành vi, tạm đình chỉ 672 trường hợp, 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với chung cư mini: Đã tổ chức kiểm tra đối với 193 cơ sở chung cư mini trên địa bàn Thành phố; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 04 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Đã tổ chức kiểm tra đối với 5.808 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố; xử phạt 435 trường hợp/636 hành vi, tạm đình chỉ 09 trường hợp, 01 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 129 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với trường mầm non, nhóm trẻ: Đã tổ chức kiểm tra đối với 935 cơ sở trường mầm non, nhóm trẻ trên địa bàn Thành phố; xử phạt 59 trường hợp/70 hành vi, tạm đình chỉ 23 trường hợp, 02 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 32 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với cơ sở phòng khám tư nhân: Đã tổ chức kiểm tra đối với 443 cơ sở phòng khám tư nhân trên địa bàn Thành phố; xử phạt 34 trường hợp/51 hành vi, tạm đình chỉ 01 trường hợp, 01 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16 cơ sở dừng hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với chung cư: Đã tổ chức kiểm tra đối với 317 cơ sở chung cư trên địa bàn Thành phố; xử phạt 04 trường hợp/06 hành vi, tạm đình chỉ 02 trường hợp, 02 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Đối với trung tâm tổ chức sự kiện: Đã tổ chức kiểm tra 23 cơ sở, xử phạt 01 trường hợp/01 hành vi, 01 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động; 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện. Đối với cơ sở sai phép, không phép: Đã tổ chức kiểm tra tra đối với 700 cơ sở không phép, sai phép trên địa bàn Thành phố; xử phạt 155 trường hợp/263 hành vi, tạm đình chỉ 28 trường hợp, 09 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 50 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện.
Sẽ xem xét trách nhiệm hình sự người đứng đầu buông lỏng quản lý phòng cháy
Thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch, đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh.
UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương phân công, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai các nhiệm vụ được giao; chủ động, quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát sinh, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện phòng cháy.
UBND TP Hà Nội yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở phải vào cuộc, đồng hành cùng lực lượng Công an trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý (kể cả xem xét trách nhiệm hình sự) đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở để xảy ra sai phạm hoặc buông lỏng quản lý trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
UBND thành phố giao Công an Hà Nội phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu UBND thành phố ban hành tài liệu hướng dẫn giải pháp cấp thiết tăng cường điều kiện an toàn PCCC phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, hoàn thành xong trước ngày 30/7/2024.
Công an Hà Nội chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra, phân loại, hướng dẫn các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả nhà ở cho thuê trọ); yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình phải cam kết, có lộ trình thực hiện các giải pháp tăng cường PCCC do UBND thành phố ban hành và phải hoàn thành thực hiện các giải pháp trước ngày 30/3/2025.
UBND thành phố yêu cầu Công an Hà Nội xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC; khắc phục và xử lý dứt điểm toàn bộ các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, không để phát sinh các công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đưa vào sử dụng.
Đối những vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên địa bàn, Công an Hà Nội tổ chức điều tra nguyên nhân các vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; tham mưu xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn, để xảy ra cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Với mục tiêu phòng cháy hơn chữa cháy, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn PCCC cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và mang lại hiệu quả thực chất. Những vụ cháy nổ kinh hoàng vừa qua đã để lại những bài học quý về yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng, ngừa hỏa hoạn cho thời gian tới. Đồng thời, các cấp chính quyền cũng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC để có thể ngăn ngừa từ xa các vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo, giải pháp phòng cháy, chữa cháy
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, Bộ Công an cho biết, các giải pháp của Bộ Công an trong công tác PCCC thời gian tới như sau:
1. Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC để phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các văn bản khác liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đảm bảo an toàn PCCC nhà ở và công trình.
2. Tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương rà soát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác PCCC & CNCH. Trong đó, rà soát và đánh giá một cách chi tiết, cụ thể những điều kiện về an toàn phòng cháy, những loại hình cụ thể, từ đó đưa ra những giải pháp về an toàn PCCC.
Đặc biệt, ngày 24/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 19/CT-TTg về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, trong đó nêu ra các trách nhiệm của các bộ, ban, ngành trong công tác PCCC và đề ra các giải pháp cụ thể.
3. Phương châm "lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực" trong thực hiện công tác PCCC & CNCH, coi tính mạng người dân là trên hết. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC & CNCH để mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, hộ gia đình hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa và tự giác chấp hành quy định.
Tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình hiệu quả, duy trì mạnh mẽ mô hình: Tổ liên gia an toàn PCCC, điểm chữa cháy công cộng; mô hình "nhà tôi có bình chữa cháy, có lối thoát nạn thứ 2".
Giải pháp căn cơ: Sớm kết hợp các kiến thức, kỹ năng về PCCC & CNCH vào chương trình đào tạo của các bậc học, cấp học.
4. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Công an các địa phương trong tổ chức, rà soát, đánh giá đối với các loại hình cơ sở này ở địa phương, đồng thời hướng dẫn người dân, hộ gia đình thực hiện các giải pháp trước mắt đảm bảo an toàn PCCC.
5. Tiếp tục đẩy mạnh việc vận động các hộ gia đình trang bị các phương tiện PCCC & CNCH để chủ động phát hiện và xử lý tình huống sự cố cháy nổ. Đặc biệt trang bị thiết bị báo cháy, mặt nạ lọc độc, bình chữa cháy, thiết bị phá dỡ, thang thoát nạn, dây hạ chậm... Mỗi hộ gia đình cần có phương án thoát nạn trong các tình huống cụ thể, đặc biệt là phải có lối thoát nạn thứ 2...
Ngoài ra, Đại tá Nguyễn Minh Khương khẳng định "không phạt cho tồn tại". Đối với các vi phạm an toàn PCCC và thoát nạn, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH luôn kiên quyết xử lý với tinh thần "thượng tôn pháp luật", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".
Cục Cảnh sát PCCC & CNCH thường xuyên rà soát, đánh giá việc xử phạt vi phạm hành chính của Công an các đơn vị, địa phương. Trong đó, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ các cơ sở không đảm bảo điều kiện về PCCC. Đại tá Nguyễn Minh Khương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất kinh doanh (kể cả nhà cho thuê trọ); ban hành Tài liệu hướng dẫn công tác PCCC căn cứ theo Bộ Tài liệu hướng dẫn do Bộ Xây dựng ban hành...