Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia báo cáo Bộ Công An, ngày mùng Tết 1 tức ngày 10/2 dương lịch, toàn quốc đã có 35 người chết và 66 người bị thương vì tai nạn giao thông. So với ngày 9/2 (tức ngày 30 Tết Âm lịch 2023) tăng 7 vụ, tăng 5 người chết, tăng 11 người bị thương.
Đáng chú ý các vụ tai nạn giao thông đều xảy ra tại đường bộ. Không ghi nhận trường hợp nào ở đường sắt, đường thủy, đường hàng hải và đường hàng không.
Cảnh sát giao thông (CSGT) công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 7.469 trường hợp. Trong đó, đường bộ có 7.466 trường hợp vi phạm, phạt tiền 18 tỷ 782 triệu đồng; tạm giữ 211 xe ô tô, 3.661 xe mô tô và 16 phương tiện khác.
Tước giấy phép lái xe các loại 1.588 trường hợp. Xử lý 2.835 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.720 tài tài xế vi phạm tốc độ và 12 trường hợp ma túy. Trong đó đường sắt có 1 trường hợp vi phạm, đường thủy có 2 trường hợp vi phạm với tổng tiền phạt là 1 triệu đồng.
Tại Hà Nội, Công an Thành phố đã bố trí 15 Tổ Công tác đặc biệt 141 cắm chốt tại một số địa bàn từ 19h ngày 30 Tết (tức ngày 9/2) đến 3h ngày mùng 1 Tết (tức ngày 10/2). Lực lượng chức năng sẽ tập trung xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, lạng lách, đánh võng và nẹt pô,...
- Mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô, các loại xe tương tự ô tô.
Theo quy định tại điểm c, khoản 6 và điểm e, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.
Theo quy định tại điểm c, khoản 8 và điểm g, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 16.000.000 đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng.
Theo quy định tại điểm a, khoản 10 và điểm h, khoản 11 Điều 5 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
- Mức xử phạt vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy.
Theo quy định tại điểm c, khoản 6 và điểm đ, khoàn 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng;
Theo quy định tại điểm c, khoản 7 và điểm e, khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng;
Theo quy định tại điểm e, khoản 8 và điểm g, khoản 10 Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.