Xuất khẩu dệt may sang Mỹ thu về hơn 3,7 tỷ USD

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 15%, đạt hơn 3,7 tỷ USD, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu.

Theo số liệu của Cục Thống kê, trong quý 1/2025, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 31,4 tỷ USD.

Bất chấp kinh tế Mỹ còn nhiều biến động, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang nước này 3 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng 15%, đạt hơn 3,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất hầu hết hàng hóa chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất, sử dụng nhiều lao động nhất như máy vi tính, điện thoại, máy móc, giày dép…

Riêng trong 2 tháng đầu năm nay có 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt 1 tỷ USD trở lên gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,33 tỷ USD, tăng 33,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22,6%; dệt may đạt đạt 2,46 tỷ USD, tăng 12,5%; điện thoại và linh kiện đạt 1,95 tỷ USD, giảm 15,4%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,3 tỷ USD, tăng 9,2%; giày dép đạt đạt 1,29 tỷ USD, tăng 16,1%.

Đối với ngành dệt may, năm 2024, lĩnh vực này đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023, đưa Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Riêng năm nay, ngành đặt mục tiêu đạt 47- 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Hiện có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may với tổng vốn trên 37 tỷ USD, đóng góp khoảng 65% kim ngạch toàn ngành.

Đứng trước bối cảnh nhiều thách thức trong thời gian tới đối với ngành, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng có những giải pháp thích ứng nhanh với tình hình mới để giảm thiểu thiệt hại và duy trì hoạt động.

Trong đó, cần tập trung đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam như các nước CPTPP, EVFTA, UKVFTA...; tích cực đàm phán với các nhãn hàng, nhà mua hàng quốc tế để chia sẻ khó khăn, tìm kiếm sự hỗ trợ về giá hoặc thời gian giao hàng đối với các đơn hàng đã ký kết hoặc đang sản xuất; rà soát và tối ưu hóa toàn bộ chuỗi cung ứng, từ khâu nhập khẩu nguyên phụ liệu đến sản xuất và xuất khẩu, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả; đồng thời tăng cường minh bạch về nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu, điều này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, mà còn có thể tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bạn đang xem bài viết Xuất khẩu dệt may sang Mỹ thu về hơn 3,7 tỷ USD tại mục Kinh tế do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.