Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 9 tháng năm 2024 tổng kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Malaysia đạt 10,63 tỷ USD, tăng tới 14,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 3,81 tỷ USD, tăng nhẹ 3,5%; nhập khẩu đạt 6,82 tỷ USD, tăng mạnh tới 21,1% so với cùng kỳ.
Do xuất khẩu chỉ tăng nhẹ, trong khi nhập khẩu tăng nhanh khiến cán cân thương mại bị thâm hụt 3,0 tỷ USD, tăng 54,6% so với cùng kỳ. Về giá trị tuyệt đối, mức thâm hụt cán cân thương mại bằng 76,4% so với giá trị xuất khẩu và tăng tới gần 1 tỷ USD.
Trong 9 tháng, xuất khẩu gạo đạt mức tăng trưởng tới 131,2% và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng tới 9,8%, đứng thứ 3 trong số các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Malaysia, vượt lên trên cả điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 8,5%).
Như vậy, Malaysia đã tăng cường mua gạo từ Việt Nam, nhiều hơn cả các hàng tiêu dùng xa xỉ như điện thoại.
Xuất khẩu Việt Nam sang đang có nhiều cơ hội
Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho biết, xuất khẩu Việt Nam sang nước này đang có nhiều cơ hội do thị trường có sức mua khá, nhu cầu đa dạng và gần gũi về văn hóa tiêu dùng với hàng Việt Nam.
Độ mở thị trường Malaysia lớn và mức độ rào cản tương đối thấp với hàng xuất khẩu của Việt Nam do cùng tham gia nhiều hiệp định tự do hóa thương mại khu vực.
Bên cạnh đó, Malaysia đang thiếu hụt nguồn cung nội địa về nhiều loại thực phẩm thiết yếu như gạo, thủy hải sản, nhưng Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong nước mạnh.
Song cái khó với sản phẩm của Việt Nam là sự cạnh tranh khốc liệt với nước xuất khấu khác, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… do thị trường Malaysia tương đối mở cho hàng nhập khẩu.
Các mặt hàng thực phẩm yêu cầu có chứng chỉ Halal, trong khi việc cấp chứng chỉ này không phải do cơ quan nhà nước Việt Nam quản lý, mà do các cơ quan chính quyền một số nước Hồi giáo công nhận. Hiện chỉ có một đơn vị phi chính phủ cấp chứng chỉ Halal tại Việt Nam được JAKIM (thuộc Bộ phụ trách các vấn đề tôn giáo của Malaysia) công nhận.
Cùng với đó, không ít các doanh nghiệp Việt Nam ngại tiếp cận thị trường do các rào cản về ngoại ngữ, sự khác biệt về văn hóa… Bên cạnh đó, không ít trường hợp lừa đảo đã xảy ra, làm giảm niềm tin trong giao thương do các doanh nghiệp không liên hệ với Thương vụ để được hỗ trợ xác minh đối tác.
Nhiều doanh nghiệp e ngại thiết lập kênh phân phối cho sản phẩm của mình, gửi hàng mẫu, tham gia hội chợ hoặc gặp gỡ khách hàng tại địa bàn và hạn chế đầu tư vào việc đổi mới sản phẩm cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng sở tại, trong khi người tiêu dùng sở tại đã quen tiếp xúc với hàng hóa của các đối thủ cạnh tranh.
Chính vì thế, nhằm tránh rủi ro khi xuất khẩu sang Malaysia, Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp Việt Nam, trước khi thanh toán tiền hàng hay đặt cọc đối với doanh nghiệp mới, chưa gặp mặt thì cần kiểm tra thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm tên doanh nghiệp và số đăng ký kinh doanh và gửi Thương vụ xác minh.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm, cần lưu tâm đến xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có chứng chỉ Halal sang thị trường Malaysia do tỷ lệ người theo đạo Hồi ở Malaysia lớn và chỉ lựa chọn các sản phẩm được cấp chứng chỉ Halal.
Malaysia hiện đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cho nhu cầu thiết yếu như trứng, gạo… nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu …