Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỉ USD, giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm sâu 10-50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính. Trong đó, thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, với hơn 50%, thị trường EU giảm gần 32%, thị trường Trung Quốc giảm hơn 25%...
Tôm là mặt hàng xuất khẩu bị sụt giảm mạnh nhất, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 1,2 tỉ USD; trong đó, tôm chân trắng (chiếm 74%, đạt khoảng 900 triệu USD) giảm 36%, tôm sú (chiếm 15%, đạt 180 triệu USD) giảm 29%, tôm hùm và các loài tôm biển khác (chiếm 11%, đạt 134 triệu USD) giảm 41%. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm 28-50%; trong đó, Mỹ và EU giảm lần lượt 44% và 49%, Trung Quốc giảm 25%.
Xuất khẩu cá tra cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 841 triệu USD. Các thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ đều giảm mạnh nhập khẩu cá tra Việt Nam.
Xuất khẩu cá ngừ giảm 31%, chỉ đạt 317 triệu USD; trong đó, cá ngừ loin, phile đông lạnh (chiếm 52% với 165 triệu USD), trong khi xuất khẩu cá hộp và cá chế biến khác (chiếm 47%, đạt khoảng 150 triệu USD) tăng nhẹ 7%.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm nhẹ nhất, chỉ giảm 13%, đạt 239 triệu USD.
Theo VASEP, từ cuối năm 2022, xuất khẩu thủy sản đã bắt đầu suy giảm và cho đến những tháng đầu năm 2023 giảm mạnh ở tất cả các thị trường và tất cả các mặt hàng, giảm mạnh nhất là mặt hàng tôm, do nửa đầu năm 2023, nhu cầu suy yếu, cung vượt cầu.
Với ngành tôm, giá tôm xuất khẩu giảm 15-20%. Dù giá giảm nhưng tại thị trường Mỹ, EU, tôm Việt Nam khó cạnh tranh được với tôm Ecuador và Ấn Độ, vì giá vẫn cao hơn 1,5-2 USD/kg.
Hiện nay, cá tra tồn kho lớn, tiêu thụ kém, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào hoặc chỉ nhập với giá thấp. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa sau dịch Covid-19, giao thương dễ dàng hơn, nhưng nhu cầu chưa hồi phục như dự đoán. Trung Quốc chủ yếu tăng nhập khẩu hải sản và tôm nguyên liệu giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ để gia công, chế biến xuất khẩu.
Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc phân tích: Hai thị trường nhập khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh nhất. Tại thị trường Mỹ, do lạm phát cao, lãi suất tăng, nhiều ngân hàng tuyên bố phá sản... đã tác động rất lớn đến sức cầu của nền kinh tế và ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thủy sản. Tương tự, nhu cầu tiêu dùng của Trung Quốc cũng ảm đạm.
Theo bà Sắc, nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý III/2023, khó khăn kéo dài, do đó chưa có cơ sở để chắc chắn mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD năm 2023 có đạt hay không và cũng khó để dự báo trước cho giai đoạn 2023-2024.
Là mặt hàng thiết yếu, thủy sản vẫn có nhu cầu nhất định ở các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, lạm phát cao đã khiến nhu cầu thủy sản thay đổi. Nhu cầu các sản phẩm thủy sản phân khúc giá cao đã và sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. Các mặt hàng giá phải chăng như cá khô, cá hộp, nước mắm, cá tra, chả cá có thể vẫn có cơ hội tốt hơn.
Trong khi đó, báo cáo về ngành thủy sản hồi tháng 6-2023 từ bộ phận phân tích thuộc Công ty Chứng khoán VnDirect đã kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ sẽ phục hồi từ nửa cuối năm 2023, dựa trên dự báo lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu cao để phục vụ dịp lễ cuối năm. Điều này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tăng 40-50% trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023.
Còn với thị trường Trung Quốc, trong tháng 5-2023, hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Trung Quốc kết thúc chính sách “Zero Covid” do nhu cầu trong nước yếu, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình hình ảm đạm trong lĩnh vực bất động sản, ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ thủy sản Việt Nam ở Trung Quốc.
Theo VnDirect, thị trường Trung Quốc phục hồi không như mong đợi sau khi mở cửa hoàn toàn. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như cá tra và tôm sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Do kinh tế vĩ mô của Trung Quốc khó đoán định và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, VnDirect dự báo, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong nửa cuối năm 2023 sẽ không tăng mạnh so với nửa đầu năm.
Thị trường EU được kỳ vọng nhu cầu đối với cá tra của Việt Nam sẽ ổn định trong nửa cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2023 do lạm phát tại EU vẫn ở mức cao trong khi nguồn cung các loại cá thịt trắng khác bị ảnh hưởng bởi căng thẳng xung đột Nga - Ukraine.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức ở phía trước. Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tìm hiểu các yếu tố chủ quan lẫn khách quan một cách cặn kẽ, coi yếu tố nào có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu để điều chỉnh, có cách thức xử lý phù hợp.
Chẳng hạn, mức cung ứng tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ ngày càng nhiều, tạo áp lực quá lớn. Nếu tìm hiểu sâu hơn yếu tố khách quan, Ecuador và Ấn Độ đều đưa ra tỷ lệ nuôi thành công cao gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với tỷ lệ nuôi thành công ở Việt Nam.
Còn xét về yếu tố chủ quan, thực trạng nuôi tôm ở Việt Nam vẫn căn bản là nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, dẫn đến năng suất thấp, tất nhiên giá thành nguyên liệu tôm phải tăng lên, giá sản phẩm chế biến xuất khẩu khó giảm.
Ngành thủy sản Việt Nam hơn bao giờ hết cần nhìn nhận rõ những khó khăn, những mặt yếu kém để xây dựng chiến lược phù hợp nhằm tăng sức cạnh tranh để không bị thụt lùi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí sản xuất là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần quan tâm đặc biệt.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỉ USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm sâu tại tất cả các thị trường chính. Thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, với hơn 50%; EU giảm gần 32%; Trung Quốc giảm hơn 25%...