Áp thấp xuất hiện trên Biển Đông, cảnh báo mưa dông

Thứ tư, 12/10/2022, 19:16 PM

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, một vùng áp thấp vừa hình thành trên Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới. Cảnh báo đợt mưa to đến rất to và dông tại khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên.

Hồi 13 giờ ngày 12/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 12,2-14,2 độ Vĩ Bắc; 116,3-118,3 độ Kinh Đông.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 220km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.

 Vị trí và đường đi của áp thấp trên Biển Đông.

 Vị trí và đường đi của áp thấp trên Biển Đông.

Vùng nguy hiểm do vùng áp thấp sau có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 15,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 113,5 đến 118,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 3,0-5,0m. Biển động mạnh.

Cũng theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong khoảng từ đêm 13-16/10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh và gió Đông hoạt động mạnh, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện đợt mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-500mm, có nơi trên 600mm.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở các khu vực cảnh báo mưa lớn trên. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Cấp 2.

Trước đó, trong công điện ban hành tối 10/10, Thủ tướng yêu cầu các địa phương từ Quảng Bình đến Phú Yên cùng bộ, ngành, đơn vị liên quan chủ động ứng phó với mưa lũ ở Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của không khí lạnh đã gây mưa lớn tại Trung Bộ, đặc biệt là tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Chỉ trong một ngày, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa lên tới trên 300 mm, có nơi trên 550 mm. Mưa lớn gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Trước diễn biến mưa lũ phức tạp từ Quảng Bình đến Phú Yên, Thủ tướng yêu cầu địa phương rà soát, chủ động sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm và khẩn trương lên phương án ứng phó, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, rà soát chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là nơi có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.

Đồng thời, đơn vị liên quan chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.