Quan hệ Mỹ - Trung: Đối đầu trong thế ràng buộc lẫn nhau?

Thứ ba, 18/12/2018, 14:46 PM

Năm 2018 ghi dấu sự đối đầu quyết liệt của Mỹ với Trung Quốc. Thị trường thế giới liên tục trồi sụt theo từng dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các sự kiện diễn biến đi cùng.

quan-he-my-trung-nhin-qua-bien-dong-thi-truong
Ảnh minh họa

Trong bài phát biểu của mình tại Học viện Hudson hồi tháng Mười, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence từng nhấn mạnh sự mạnh tay của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ mang đến những hệ quả toàn cầu lâu dài nhất.

CNBC ngày 17/12 nhận định thị trường toàn cầu đã đẩy giá cổ phiếu lên xuống theo những sự kiện nhất thời, ví dụ như những dòng tweet của ông Trump và các dự thảo thỏa thuận thương mại.

Tuy nhiên, các thành viên của thị trường thế giới lại bị cho là thiếu sự chú tâm đến bản chất của những vụ việc gay cấn này, cũng như tác động của chúng đến thị trường nợ, tiền tệ, công nghệ và chứng khoán...

Điều đó không đồng nghĩa rằng từng sự kiện riêng lẻ trên không có những tác động nhất định. Dù Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận nào sau 90 ngày tính từ 1/1/2019 hay không, đó vẫn là dấu hiệu cho thấy hai cường quốc này có thể tiến đến đàm phán thẳng thắn về những vấn đề khó nhằn.

Cuộc đối đầu về công nghệ

Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, được CNBC đánh giá như một trong những bằng chứng quan trọng của cuộc đua công nghệ ngày càng gay gắt giữ Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc tranh đấu này được cho là sẽ tiếp diễn trong nhiều năm, để lại hệ quả khó đoán trên khắp các lĩnh vực như an ninh, thương mại, đầu tư và không gian mạng.

Cụ thể, những lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất, có thể quyết định vị trí dẫn đầu trên toàn cầu là mạng viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Về khía cạnh này, nhiều người cho rằng Washington đã nhận ra quá trễ mục đích chính của Trung Quốc - chiếm lấy vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã nhận được nhiều lời khen khi thẳng tay chỉ trích cách thực hiện thương mại đầy bất công, nạn ăn cắp trí tuệ và những ý đồ khác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng khiến nhiều chuyên gia nhận định ông Trump đang bỏ qua cơ hội để xây dựng đồng minh, giới hạn phạm vi quyền lực của Trung Quốc.

Đối đầu nhưng vẫn ràng buộc

Dù vẫn cùng nhau tranh vị thế đứng đầu, hai nền kinh tế này vẫn phụ thuộc vào nhau khá nhiều. Quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang là quan hệ song phương lớn nhất thế giới.

Trong khi nền kinh tế Mỹ rất dồi dào về vốn, nền kinh tế Trung Quốc lại dồi dào nhân lực. Vì thế, cả hai đều đạt được lợi ích khi hợp tác cùng nhau.

Thế nhưng, hai nền kinh tế trên không chỉ có những ràng buộc song phương.

Nền kinh tế toàn cầu tồn tại nhiều thỏa thuận thương mại, tài chính và đầu tư chồng chéo. Phần lớn chúng đều phụ thuộc vào hai ông lớn là Mỹ và Trung Quốc. Vì thế, mối quan hệ vừa đối kháng vừa hợp tác giữa hai ngườc này nhanh chóng tác động đến giá cả và thị trường ở nhiều nơi.

Mục tiêu của Trung Quốc là lợi dụng công nghệ để vượt xa các nước lớn khác. Vụ bắt bớ lãnh đạo của Huawei cho thấy Mỹ đã tỏ ra cảnh giác với mục tiêu này của Trung Quốc.

 

Giữa tâm bão chiến tranh thương mại, Boeing khánh thành nhà máy ở Trung Quốc

Đây là thương vụ đầu tư chiến lược của Boeing nhằm hướng tới nhu cầu đi lại cũng như thị trường du lịch khổng lồ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

 

Sự thật rất khác về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung qua vụ Huawei

Nếu chỉ đọc qua các thông tin, bạn có thể nghĩ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chủ yếu về thuế quan. Thế nhưng, theo Bloomberg, nếu muốn tìm hiểu kĩ về cuộc đối đầu này, hãy xem những gì đang xảy ra với Huawei – tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới của Trung Quốc.