Bánh tét 4 tấn, khăn dài 1 km: Campuchia lấy lòng giới trẻ bằng kỷ lục

Chủ nhật, 03/02/2019, 08:29 AM

Campuchia liên tiếp giành các kỷ lục Guinness để khơi dậy lòng tự hào của giới trẻ nước này đối với một chính quyền bị coi là già nua. Nhưng không phải ai cũng ấn tượng.

 

Bánh tét 4 tấn, khăn dài 1 km: Campuchia lấy lòng giới trẻ bằng kỷ lục
Chiếc bánh tét kỷ lục để thu hút giới trẻ. Ảnh: New York Times.

Đầu tiên là chiếc bánh tét lớn nhất thế giới nặng 4.040 kg vào năm 2015, được trưng bày tại khu đền Angkor Wat và đi vào sách kỷ lục Guinness.

Sau đó là liên tiếp các kỷ lục thế giới khác: số người cùng nhảy Madison nhiều nhất (2.015 người), khăn rằn Krama dài nhất (1.149,8 m) được dệt trong 6 tháng. Tháng 11, chiếc ghe ngo (thuyền rồng truyền thống của dân tộc Khmer) dài nhất thế giới (87,3 m) có 179 tay chèo phá vỡ kỷ lục trước đó của Trung Quốc.

Giới trẻ thờ ơ

Những kỷ lục này có vẻ không liên quan, nhưng đều nằm trong nỗ lực của Thủ tướng Campuchia Hun Sen muốn thanh niên nước này hào hứng hơn và bớt thờ ơ với chính quyền, theo New York Times.

“Họ muốn tạo sự hào hứng, sôi nổi đối với đất nước và giới lãnh đạo”, Katrin Travouillon, học giả về chính trị Campuchia ở Đại học Quốc gia Australia, nói với New York Times.

2/3 dân số Campuchia chưa đến 30 tuổi, và thuộc về thế hệ không còn nhớ nhiều về thời cai trị đẫm máu của Khmer Đỏ những năm 1970, hay những năm nội chiến dai dẳng sau này. Nhiều người đã chán hình ảnh của đất nước mình gắn liền với diệt chủng và khủng hoảng chính trị.

Vì vậy, giới trẻ Campuchia không quá hứng thú với câu chuyện lịch sử trong đó ông Hun Sen (66 tuổi) cùng hàng ngũ lãnh đạo đóng vai những anh hùng dân tộc đã giúp đánh đuổi Khmer Đỏ năm 1979.

Thủ tướng Hun Sen nhận thức rõ điều này sau khi suýt nữa thất bại trước một đảng đối lập trong cuộc bầu cử năm 2013. Ông đã dành nửa thập kỷ nay để lấy lòng thanh niên Campuchia.

“Họ đã nhận ra bản sắc dân tộc dựa trên sự biết ơn quá khứ khó phù hợp với giới trẻ đang có những khát vọng khác”, bà Travouillon nói với New York Times.

Để theo đuổi mục đích này, ông Hun Sen cố gắng khơi dậy sự tự chủ và tự hào dân tộc, và xa rời các nhà tài trợ phương Tây vốn đã viện trợ cho Campuchia hàng tỷ đô-la. Ông cũng thành lập các đoàn thể cho thanh niên, về hình thức là phi đảng phái, nhưng trên thực tế là ủng hộ đảng cầm quyền.

Ông còn kêu gọi các đoàn thanh niên tiếp tục kiếm các kỷ lục thế giới mới.

Bánh tét 4 tấn, khăn dài 1 km: Campuchia lấy lòng giới trẻ bằng kỷ lục
Đoàn thanh niên chụp ảnh với người đứng đầu Hun Many, con trai Thủ tướng Hun Sen, trong một buổi vận động tranh cử ở Phnom Penh tháng 7/2018. Ảnh: AP.

“Làm vậy để làm gì”

Tuy nhiên, Kim Sok, nhà bình luận chính trị, đang tị nạn ở Phần Lan sau khi bị kết án vì chỉ trích chính quyền ở Campuchia, nói ông không hiểu vì sao Guinness lại công nhận các kỷ lục do các chính phủ chủ đích tạo ra.

“Họ có nhân lực, quyền lực và tiền, và cứ thế ra lệnh đổ những nguồn lực đó vào việc giành kỷ lục thế giới Guinness”, ông Kim Sok nói với New York Times.

Rachel Gluck, người phát ngôn của Sách Kỷ lục Guinness, nói tổ chức này “luôn nỗ lực nhất có thể để trung lập về chính trị” và luôn yêu cầu các ứng cử viên “phải đạt được các giá trị cốt lõi về liêm chính, tôn trọng, bao trùm và lòng đam mê”.

Con trai ông Hun Sen, ông Hun Many (36 tuổi), người đạo diễn những nỗ lực giành kỷ lục, phản bác lại những chỉ trích, nói các thành tích đã khơi dậy tinh thần Campuchia ở cả trong lẫn ngoài nước. Chẳng hạn, chiếc khăn khổng lồ được các sinh viên đại học cùng góp sức dệt nên, mỗi người một vài sợi.

Chiếc bánh tét khổng lồ được trưng bày cũng được coi là một dịp đoàn kết ở Campuchia. Sau nhiều tháng biểu tình đầy chia rẽ về kết quả cuộc bầu cử 2013, ông Hun Sen và lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã cùng nhau bước lên, cắt bánh bằng kiếm theo nghi thức, nếm thử bánh và tuyên bố hòa giải.

Bánh tét 4 tấn, khăn dài 1 km: Campuchia lấy lòng giới trẻ bằng kỷ lục
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) trong một sự kiện trong quá trình dệt chiếc khăn đạt kỷ lục dài nhất thế giới. Ảnh: Getty Images.

Các kỷ lục ở nước này đã nhận được các ý kiến trái chiều. “Làm vậy để làm gì”, ông Kim Sok, người bình luận chính trị” nói về bánh tét khổng lồ. “Chỉ là làm cái bánh to hơn bình thường. Các ông nghĩ thế là tài năng chắc? Đấy có phải là ý tưởng hay cho đất nước không?”

Khác với những người nhiều tuổi, một số người trẻ Campuchia dường như đang thích thú với các kỷ lục thế giới.

Man Nisa, 19 tuổi, lẻn ra khỏi trường đại học để nhận một album K-pop đặt hàng trên mạng mà Yin Hong, người chuyển phát 35 tuổi vừa chuyển đến.

“Tôi nghĩ các kỷ lục thật tuyệt”, Man Nisa, 19 tuổi, nói với New York Times.“Tôi chưa thấy thành tích nào như vậy”.

Nhưng Yin Hong nghĩ khác. “Tôi nghĩ chỉ là vớ vẩn”, ông nói. “Chỉ phí tiền mà không tạo được công ăn việc làm”.

“Các nước khác không làm bánh tét, nhưng nếu biết công thức chắc họ còn làm được to hơn”, ông nói thêm.

Bánh tét 4 tấn, khăn dài 1 km: Campuchia lấy lòng giới trẻ bằng kỷ lục
Chiếc Ghe Ngo (thuyền rồng truyền thống của dân tộc Khmer) dài nhất thế giới. Ảnh: Sách Kỷ lục Guinness
 

Có ngọn gió muộn mằn thổi qua ngày Tết

Cả Tết đi làm thêm, có lần chị đón chuyến xe cuối cùng của năm về khi đã hơn 2 giờ sáng đêm giao thừa. Chỉ kịp sắp vội mâm ngũ quả, thắp nén hương dâng tổ tiên, ôm mấy đứa con nhỏ là trời đã sáng mồng Một đầu năm.

 

Tết Trung Quốc và Việt Nam khác nhau thế nào?

Tết Trung Quốc và Việt Nam đều diễn ra theo lịch âm. Bên cạnh một số tương đồng như lì xì, cúng đêm giao thừa... Tết ở hai nước có nhiều khác biệt.

 

Tâm sự khó nói của gái ế những ngày giáp Tết

Ngoài những câu hỏi về sức khỏe và công việc, các cô nàng độc thân luôn được quan tâm một vấn đề quen thuộc: “Bao giờ lấy chồng?”.