Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016 đưa một số tin nóng đáng chú ý

Thứ bảy, 29/10/2016, 12:39 PM

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: Lao vào nhà khống chế cháu bé, bắt bố mẹ bé đưa tiền; Chết sau khi về từ trụ sở công an xã; Một phụ nữ bán tạp hóa bị sát hại; ​ĐBQH tiếp tục kêu oan cho ông Trần Văn Vót; Hong Kong bị hối thúc giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại...

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: Lao vào nhà khống chế cháu bé, bắt bố mẹ bé đưa tiền

Báo Tuổi Trẻ, Ngày 28-10, công an TP Thanh Hóa đang tạm giữ nghi phạm Trương Công Anh (22 tuổi, trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để điều tra hành vi cướp tài sản và khống chế trẻ em.

Theo điều tra ban đầu của công an TP Thanh Hóa, khoảng 19g tối 27-10, Trương Công Anh mang theo dao nhọn, dùng khẩu trang che mặt, đột nhập vào nhà ông Nguyễn Văn Định (64 tuổi, ở số 265A, Quang Trung 1, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để trộm cắp tài sản.

Thấy cháu Nguyễn Thị Minh N. (6 tuổi, con gái út ông Định) đang ngồi học bài ở tầng hai, Công Anh xông vào khống chế, gí dao vào cổ cháu bé, bắt cháu đưa lên phòng ngủ tầng ba.

Lên đến phòng ngủ của vợ chồng ông Định, Công Anh đạp tung cửa rồi bắt vợ chồng ông Định lấy hết tiền đưa cho mình, nếu không sẽ hại cháu N.

Lo sợ tính mạng con gái bị ảnh hưởng, ông Định nghe theo, ném về phía đối tượng một cục tiền hơn 13 triệu đồng.

Lợi dụng lúc đối tượng này sơ hở, ông Định xông tới quật ngã Công Anh, khóa trái tay, tước lấy con dao và ném qua cửa sổ.

Lúc này, cháu N. thoát được sự khống chế, chạy ra cửa tri hô hàng xóm đến trợ giúp. Tại hiện trường vụ án, công an thu được một con dao nhọn dài 30 cm, một cục tiền (nhiều mệnh giá) tổng số là 13,2 triệu đồng.

Trung tá Thiều Đình Thành - phó Đội trưởng đội CSĐT Công an TP Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ra lệnh tạm giữ Trương Công Anh để điều tra hành vi đột nhập vào nhà bắt cóc trẻ em, đe dọa hòng chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan công an, Công Anh khai do mê game online, lô đề, nợ nần nhiều nên nảy sinh ý định đột nhập vào nhà ông Định để trộm cắp. Khi thấy cháu N., đối tượng dùng dao khống chế để yêu cầu vợ chồng ông Định đưa tiền cho mình.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: Chết sau khi về từ trụ sở công an xã

Sáng 28-10, gia đình ông Nguyễn Cao Tấn (trú tại xã Lãng Công, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) bàng hoàng phát hiện ông Tấn đã mất. Theo người thân, nguyên nhân ông Tấn qua đời có nhiều bất thường vì chiều hôm trước ông được công an xã gọi đến trụ sở làm việc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một người cháu ruột của ông Tấn cho biết ngày 27-10 Công an xã Lãng Công mời ông Tấn đến trụ sở để làm rõ việc con trai ông bị mất điện thoại. Chiều tối cùng ngày, gia đình mang cơm đến trụ sở thì lãnh đạo công an xã cho biết ông Tấn đã về nhà.

Khi người thân sang nhà chơi thấy ông Tấn kêu đau, trên người có nhiều vết bầm tím. “Chúng tôi hỏi thì ông Tấn nói bị công an xã đánh, tôi thấy bên mắt trái của ông bị tím, người nhiều vết bầm tím” - cháu ruột của ông Tấn nói.

bao tuoi tre ngay 29102016

Người nhà cho biết ông Tấn kêu đau nên chỉ uống hộp sữa rồi lên giường ngủ. Sáng nay (28-10), người nhà vào phòng gọi thì bàng hoàng phát hiện ông Tấn nằm bất động, ngừng thở, người cứng và lạnh.

Gia đình vội đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện thì các bác sĩ cho biết ông Tấn đã qua đời. Gia đình có đơn gửi các cơ quan công an đề nghị điều tra làm rõ vụ việc.

Trao đổi với báo chí qua điện thoại chiều 28-10, ông Lương Duy Tuyển, trưởng Công an xã Lãng Công, xác nhận có việc mời ông Tấn đến trụ sở làm việc. Về tố cáo của người nhà rằng ông Tấn bị đánh, ông Tuyển nói ngắn gọn: “Không có chuyện đấy đâu, ông ấy bị cảm”.

Ông Kim Văn Tiến, trưởng Công an huyện Sông Lô, cho biết bộ phận pháp y đang tiến hành khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân. Ông Tiến cũng phủ nhận việc ông Tấn bị đánh tại trụ sở công an xã.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: Một phụ nữ bán tạp hóa bị sát hại

Đến 20g ngày 28-10, lực lượng chức năng huyện Hóc Môn (TP.HCM) vẫn còn phong tỏa hiện trường, điều tra vụ án mạng tại tiệm tạp hóa trên đường Đông Thạnh 1-3 (ấp 6, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn).

Bước đầu danh tính nạn nhân được xác định là chị Nguyễn Thị Thập (43 tuổi, quê Thái Bình). Thông tin ban đầu, khoảng 16g cùng ngày, một người dân đến tiệm tạp hóa thì thấy trên nền nhà có nhiều vết máu liền hô hoán trình báo công an.

Lực lượng chức năng huyện Hóc Môn đến kiểm tra thì phát hiện chị Thập đã chết ở nhà vệ sinh với vết thương trên đầu. Kiểm tra tài sản trong nhà, lực lượng chức năng ghi nhận một xe máy đã mất.

Công an huyện Hóc Môn phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM khám nghiệm hiện trường, điều tra truy xét vụ án.

Theo người thân, chị Thập cùng chồng chuyển về nhà trên sinh sống khoảng một năm nay. Hàng ngày chị này ở nhà một mình bán tạp hóa còn chồng làm bếp tại một quán ăn ở quận 12.

“Mới trưa nay, tôi ăn đám giỗ cùng vợ chồng chị này tại nhà người thân cách đây vài cây số” - một người thân của nạn nhân thuật lại.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: ĐBQH tiếp tục kêu oan cho ông Trần Văn Vót

Phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh được nêu trong phiên thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao... đang diễn ra tại Quốc hội chiều 28-10.

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh, từ năm 1993 đến nay, gia đình, người thân và báo chí đã liên tục kêu oan cho ông Trần Văn Vót. Trong đó có cả những tác phẩm báo chí về vụ việc này của VTV được giải báo chí của Quốc hội.

Vụ án của ông Trần Văn Vót bắt nguồn từ vụ xô xát giữa hàng trăm người dân hai khu vực Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) vì tranh chấp đất đai vào năm 1992. Hậu quả là có người ném lựu đạn vào đám đông làm anh Trần Hoa Việt (người dân Nhân Phúc) chết và 21 người khác bị thương.

Năm tháng sau khi vụ án xảy ra, ông Trần Văn Vót bị bắt về hành vi giết người liên quan đến vụ nổ này. Từ đó đến nay, gia đình bị hại và hàng trăm người dân xã Phú Phúc vẫn đi kêu oan cho ông Vót và một số bị án.

Tại đơn kêu oan, gia đình các bị án đã chỉ ra hàng loạt các điểm mâu thuẫn như hôm xảy ra vụ án, ông Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh có chứng cứ ngoại phạm nhưng không được tòa xem xét.

Các bị cáo khai bị bức cung, nhục hình ở trại giam nên mới nhận tội, đến khi ra tòa thì đồng loạt kêu oan nhưng không được tòa chấp nhận. Tòa án kết tội chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác mà không có chứng cứ, có nhiều người làm chứng cho việc các bị cáo bị oan nhưng không được các cơ quan tố tụng xem xét...

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi có hay không việc cơ quan tố tụng đã vi phạm Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình điều tra xét xử. Bà Khánh đề nghị thành lập đoàn giám sát để làm rõ vụ án này.

Bà Trần Thị Quốc Khánh cũng tha thiết đề nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội... có ý kiến để ông Trần Văn Vót được tạm đình chỉ thi hành án để chữa bệnh vì hiện nay sức khỏe ông rất yếu.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29/10/2016: Hong Kong bị hối thúc giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại

Theo báo South China Morning Post, chiến dịch vận động được khởi động sau khi báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” (Global Slavery Index) của tổ chức Walk Free Foundation (Úc) xếp Hong Kong vào vị trí thứ 9 trong số 10 quốc gia và khu vực có tình trạng lao động bị ép buộc tương tự những nô lệ hiện đại với tỉ lệ đáng lo ngại tại châu Á.

Theo báo cáo, có ít nhất 29.500 người trong tổng dân số hơn 7 triệu người ở Hong Kong đang rơi vào cảnh nô lệ hiện đại.

Báo cáo này cũng lên án chính quyền đặc khu đã giải quyết vấn đề này không tốt, thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc đại lục.

Nhóm hoạt động nhân quyền Justice Centre Hong Kong cho rằng chính quyền Hong Kong cần đặt ra những luật lệ nghiêm ngặt hơn và có một "kế hoạch hành động minh bạch" để giải quyết tình trạng trên.

Theo bà Jade Anderson, một điều phối viên chống buôn người của tổ chức Justice Centre Hong Kong, báo cáo của tổ chức nhân đạo Walk Free Foundation là "cú sốc" với một số người Hong Kong.

Tuy nhiên nghiên cứu của tổ chức của cũng nhận thấy đã có những vụ việc ngược đãi nhân quyền nhưng không bị xử lý tại Hong Kong, và số nô lệ hiện đại tại đây trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu các nhà nghiên cứu cung cấp.

Tỉ lệ những người bị xếp vào nhóm nô lệ ở Hong Kong là 0,404%, cao thứ 9 tại châu Á và thứ 32 trên thế giới, tương đương tỉ lệ của 19 quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc.

Hong Kong cũng là khu vực có tỉ lệ nô lệ cao hơn Mông Cổ, Philippines và Indonesia.

Trong báo cáo năm 2016, tổ chức Walk Free Foundation xác định những nạn nhân bị "nô lệ hóa" ở Hong Kong là người dân đến từ các nước Philippines, Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Nepal, Colombia, Cộng hòa Chad, Uganda và các quốc gia Đông Nam Á".

Tin nên đọc:

  • Báo Tuổi Trẻ ngày 28/10/2016 đưa một số tin nóng đáng chú ý
  • Báo Tuổi Trẻ ngày 27/10/2016 đưa một số tin nóng đáng chú ý
  • Báo Tuổi Trẻ ngày 26/10/2016 đưa một số tin nóng đáng chú