Bầu cử Tổng thông Mỹ: Ông Trump ám chỉ Mỹ sắp có chính quyền mới

Thứ bảy, 21/11/2020, 06:53 AM

Bầu cử Tổng thông Mỹ diễn biến mới, Tổng thống Donald Trump dường như thừa nhận thua khi ám chỉ một chính quyền mới sắp lên nắm quyền ở Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Fox News

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Fox News

Ông Trump ám chỉ Mỹ sắp có chính quyền mới

"Sẽ không bao giờ có chuyện như thế này nữa. Tôi chỉ mong họ giữ nó. Tôi hy vọng họ có can đảm duy trì vì việc vận động hành lang của các hãng dược lớn rất mạnh mẽ, đang gây áp lực lên mọi người ở mức bạn không tin nổi”, Tổng thống Trump nhấn mạnh hôm 20/11 khi đề cập đến một quy định ông đang thúc đẩy phê chuẩn, cho phép chính phủ liên bang và các tiểu bang Mỹ mua thuốc kê đơn từ những quốc gia khác với giá thường thấp hơn.

Theo CNN, với phát biểu trên, lãnh đạo Nhà Trắng đương nhiệm dường như thừa nhận ông sẽ không nắm quyền lâu hơn nữa. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Trump tiếp tục khẳng định bản thân đã đánh bại đối thủ Dân chủ Joe Biden để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Dù không đưa ra bằng chứng, ông Trump cũng cáo buộc các công ty dược phẩm đã trì hoãn công bố thông tin về tính hiệu quả của các loại vắc-xin do họ phát triển cho đến sau ngày tổng tuyển cử 3/11 như một cách trả đũa các chính sách của ông. Đương kim tổng thống nói thêm, nếu tuyên bố về vắc-xin ngừa Covid-19 được đưa ra trước bỏ phiếu, ông có thể đã danh chính ngôn thuận thắng cử.

Ông Trump kết thúc buổi họp báo dài vẻn vẹn 22 phút mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của các phóng viên. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước công chúng trong vòng một tuần qua. Lần gần đây nhất ông trả lời câu hỏi của báo chí là cách đây 17 ngày, vào thời điểm diễn ra tổng tuyển cử.

Ông Trump vẫn từ chối nhận thua, dù giới chức Georgia vừa chính thức công nhận ông Biden đã thắng cử tại tiểu bang.

Ông Trump hẹp cửa chiến thắng

Georgia sau quá trình kiểm phiếu lại đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden tại bang này trước đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quyết định kiểm phiếu lại bằng tay ở bang chiến địa Georgia được đưa ra sau kết quả không chính thức cho thấy ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump với cách biệt khoảng 13.000 phiếu (0,3%). Trong quá trình kiểm thủ công, ít nhất 4 hạt của Georgia đã phát hiện khoảng 5.800 phiếu bầu bị bỏ sót.

Ðối mặt lời kêu gọi từ chức với cáo buộc để xảy ra tình trạng “quản lý kém cỏi và thiếu minh bạch” trong bầu cử, phụ trách ủy ban bầu cử bang Georgia Brad Raffensperger cho biết lỗi này “nằm trong phạm vi sai số dự kiến của con người” và khẳng định không có bằng chứng nào về sự can thiệp hoặc gian lận trên diện rộng. Với chiến thắng không thay đổi ở Georgia, ông Biden theo truyền thông Mỹ đắc cử với 306 phiếu đại cử tri so với 232 của ông Trump trên toàn quốc.

Nhiều cử tri Mỹ xuống đường ủng hộ Tổng thống Trump sau ngày bầu cử. Ảnh: NPR

Nhiều cử tri Mỹ xuống đường ủng hộ Tổng thống Trump sau ngày bầu cử. Ảnh: NPR

Ðội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đã nộp ít nhất 9 vụ kiện thách thức kết quả bầu cử ngày 3/11, nhưng phần lớn đều không thành công. Ðơn cử như hôm 19/11, nhóm của tổng thống đã thua liên tiếp 3 vụ kiện tại Georgia, Pennsylvania và Arizona.

Cụ thể ở Georgia, thẩm phán Steven Grimberg vốn do Tổng thống Trump chỉ định, đã bác yêu cầu của luật sư Lin Wood nhằm ngăn bang này công nhận chiến thắng của ông Biden trong vụ kiện cáo buộc quan chức bầu cử Georgia thay đổi quy trình xử lý phiếu bầu vắng mặt một cách không phù hợp.

Còn ở Pennsylvania, một thẩm phán đã bác yêu cầu của nhóm ông Trump vô hiệu hóa khoảng 2.200 phiếu bầu vì những lỗi như thiếu “phong bì bảo mật”. Trong khi đó, thẩm phán tại Arizona đã từ chối yêu cầu tái kiểm phiếu cũng như vụ kiện do đảng Cộng hòa hậu thuẫn nhằm ngăn hạt lớn nhất của bang này công nhận ông Biden thắng cử.

Ðội ngũ vận động tranh cử của ông Trump cũng cho biết họ đã rút đơn kiện kết quả kiểm phiếu ở bang Michigan, bang chiến địa mà truyền thông Mỹ đưa tin cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đã giành chiến thắng với cách biệt sít sao.

Ông Biden không nên xóa di sản ngoại giao của ông Trump

Như đã được dự báo từ trước, chính sách đối ngoại của tổng thống tân cử Joe Biden trong nhiệm kỳ tới nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc đảo ngược những di sản ngoại giao của người tiền nhiệm Donald Trump trong suốt bốn năm qua.

Theo trang tin US News, cổng thông tin chính thức của chiến dịch tranh cử của ông Biden thường sử dụng các cụm từ như “khôi phục sự lãnh đạo nghiêm túc của nước Mỹ”, “cải thiện quan hệ với các đồng minh của chúng ta” hay “sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”. Dù vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại lối tư duy trên sẽ dẫn đến một chính sách đối ngoại thất bại hoặc lãng phí những cơ hội mà ông Biden lẽ ra đã có thể kế thừa từ ông Trump.

Trước mắt, US News cho rằng giải quyết vấn đề Iran nhiều khả năng nằm trong những ưu tiên hàng đầu của ông Biden. Ông từng cam kết sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015, vốn được xem là một thành tựu ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Nước Mỹ dưới thời ông Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran. Động thái trên đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh của Mỹ, những nước cũng là các bên tham gia thỏa thuận.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số điều khoản trong thỏa thuận nói trên về hạn chế Iran phát triển chuẩn bị hết hạn vào cuối năm nay, trong khi các điều khoản khác sẽ hết hạn dần vào năm 2023 và 2025. Một số cố vấn nhận định rằng nếu chỉ đơn giản quay lại các điều khoản ban đầu của thỏa thuận, đây sẽ là hành động không mấy khôn ngoan của chính quyền Biden bởi ông và đội ngũ của mình sẽ bỏ lỡ cơ hội thuyết phục Tehran ký kết thỏa thuận mới.

Về đối sách với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ ưu tiên tận dụng hệ thống đồng minh, đối tác đông đảo nhằm tạo sức ép chung lên Bắc Kinh, điều mà ông Trump không làm được trong nhiệm kỳ vừa rồi. Tuy nhiên, ông Biden cũng nên cân nhắc mở rộng thêm chiến lược đối đầu cứng rắn và trực diện với Trung Quốc của ông Trump.

Bài liên quan