Ca ghép tạng huy động tới 500 bác sĩ thực hiện: Bệnh nhân được xuất viện

Thứ sáu, 18/10/2019, 14:58 PM

Sáng nay (18/10), Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chúc mừng bệnh nhân Nguyễn Văn Đức sau mổ ghép phổi ra viện

ca-ghep-tang-huy-dong-toi-500-bac-si-thuc-hien-da-cho-trai-ngot
Bệnh nhân Nguyễn Văn Đức ra viện với thể trạng ổn định.

Gần một năm sau khi trải qua ca đại phẫu thuật đó là ghép phổi từ người chết não vào ngày 12/12/2018, ngày hôm nay là ngày đáng nhớ nhất với bệnh nhân Nguyễn Văn Đức, đối với em cuộc sống như bắt đầu lần thứ 2.

Nhớ lại những ngày đầu nhập viện, các bác sĩ vẫn không thể quên bệnh cảnh của chàng trai quê Hải Dương này. Tình thế của Đức lúc đó đã quá nguy kịch, 5 năm chống chọi với căn bệnh mô bào, thời điểm trước mổ của cậu bé được bác sĩ tiên lượng chỉ còn sống bằng giây, bằng phút bởi phổi đã bị hỏng toàn bộ.

Không còn bất cứ 1 giải pháp nào khác, cậu bé chỉ có cơ hội sống duy nhất đó là ghép phổi mà ê kíp là 100% các bác sĩ Việt Nam chưa từng làm trước đó.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Có thể khẳng định, đây là một phép màu với Đức. Bởi có những trường hợp chờ ghép phổi cả năm trời, nhưng không có người cho và phải chấp nhận chết.

Hoặc lúc có người cho thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, dẫn đến không thực hiện được. Có thể nói, ca bệnh của Đức là một sự thử thách đối với bệnh nhân và ê kíp bác sĩ gần 500 người. Chúng tôi phải chạy đua với thời gian, với “tử thần” để giành lại sự sống cho cháu. Bởi trước khi mổ tình trạng của cháu khá là nguy kịch.

Trường hợp của bệnh nhân Đức là một ca bệnh đầy khó khăn khi kỹ thuật ghép phổi là kỹ thuật mới, phức tạp, ghép phổi cho em Nguyễn Văn Đức là ca đầu tiên không có yếu tố nước ngoài.

Tình trạng bệnh năng trước ghép quá nặng, nằm viện lâu ngày yếu tố nguy cơ cao, thể trạng siêu suy kiệt (BMI=14 (siêu còi cọc ) bt 18.5–24.9), với mức suy kiệt này mổ ruột thừa tiên lượng còn nặng chứ không thể nói đến một đại phẫu lớn là ghép 2 phổi

Ghép từ người cho tạng chết não (phổi hoàn toàn bị động) không có sự chuẩn bị chu đáo như ghép từ người cho sống (có kế hoạch).

Trong thời gian 10 tháng là những chuỗi ngày các thầy thuốc cố gắng hết sức, cân não, hầu hết các phượng pháp điều trị tích cực hiện đại nhất của hồi sức đều can thiệp: ECMO, siêu lọc... em Đức đều trải qua do thể trạng quá tồi.

Đã trải qua nhiều khoảng thời gian "chết đi sống lại", không những là các liệu pháp điều trị mà vấn đề chăm sóc cũng khó khăn: ăn uống không hấp thụ được, cơ thể suy mòn trước khi ghép, cơ teo da bọc xương, vận động khó khăn chưa nói đến sau ghép phổi phải có sức để thở.

Đánh giá về ca bệnh này, các bác sĩ thực hiện điều trị cho bệnh nhân chỉ có thể dùng một từ "kỳ tích" khi đây trường hợp ghép phổi trải qua những cung bậc hiếm gặp trong y văn thế giới.