Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh có dấu hiệu lừa đảo, sử dụng trái phép phương pháp thẩm mỹ

Thứ tư, 11/03/2020, 18:55 PM

Công nghệ PRP và tế bào gốc trong làm đẹp, thẩm mỹ chưa được Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM cấp phép nhưng BV Đa khoa Vạn Hạnh vẫn nang nhiên sử dụng phương pháp này, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng.

Bà Huỳnh Thị Kim Dung (người thứ 2, từ phải sang), Tổng Giám Đốc Bệnh Viện Đa Khoa Vạn Hạnh

Bà Huỳnh Thị Kim Dung (người thứ 2, từ phải sang), Tổng Giám Đốc Bệnh Viện Đa Khoa Vạn Hạnh

Theo khảo sát của phóng viên tại trang web https://benhvienvanhanh.com được giới thiệu thuộc sở hữu của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (Công ty TNHH Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh, địa chỉ số 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong nối dài, phường 12, quận 10, TP HCM) cho thấy, đơn vị này đang “quảng cáo” và xác nhận thực hiện áp dụng công nghệ PRP và tế bào gốc trong làm đẹp, thẩm mỹ.

Bệnh viện Vạn Hạnh ngang nhiên quảng cáo áp dụng phương pháp tế bào gốc trong làm đẹp.

Bệnh viện Vạn Hạnh ngang nhiên quảng cáo áp dụng phương pháp tế bào gốc trong làm đẹp.

Trên trang web của Bệnh viện Vạn Hạnh quảng cáo về công nghệ PRP như sau: “Tại sao nên lựa chọn làm đẹp da tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh: Đảm bảo sạch sẹo - trẻ hóa da tự nhiên; Toàn bộ liệu trình PRP sẽ được bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và điều trị; Quy trình chiết tách tế bào máu tự thân đúng chuẩn vệ sinh và tốt nhất; Là Bệnh viện đi đầu trong ngành làm đẹp da với nhiều công nghệ chất lượng đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khẳng định áp dụng phương pháp tế bào gốc trong làm đẹp của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Khẳng định áp dụng phương pháp tế bào gốc trong làm đẹp của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Với những ứng dụng và ưu việt tuyệt vời của PRP, công nghệ này đã và đang trở thành xu hướng thống trị mới trong lĩnh vực thẩm mỹ, làm đẹp da. Còn chần chừ gì nữa, hãy đến Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh để cải thiện làn da bị hư tổn. Chúng tôi cam kết, sau liệu trình trị liệu với PRP làn da của các bạn sẽ tươi sáng, mịn màng, giúp bạn lấy lại nét đẹp rạng ngời tuổi thanh xuân”.

Về công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Vạn Hạnh quảng cáo như một phương pháp thần dược: “Hiệu quả điều trị của tế bào gốc mang lại: Làm chậm quá trình lão hóa của da; Làm sáng da, da căng mịn, se khít lỗ chân lông, giảm nhờn; Cải thiện sẹo lõm do mụn trứng cá để lại; Điều trị nám da, rối loạn phân bố sắc tố da; Điều trị mụn; Tăng đề kháng của da; Làm mờ các nếp nhăn, giúp da săn trẻ.

Quảng cáo áp dụng phương pháp PRP tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Quảng cáo áp dụng phương pháp PRP tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh.

Hiện tại, công nghệ làm đẹp tế bào gốc đang được các chuyên gia thẩm mỹ từ Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh sử dụng trong các liệu trình chăm sóc sắc đẹp và mang lại hiệu quả vượt trội với các dịch vụ điển hình như : trị sẹo, trẻ hóa da, thu nhỏ lỗ chân lông hoặc trị nám... Với đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm lâu năm cùng các thiết bị y tế hiện đại, chung tôi đảm bảo sau 1 liệu trình điều trị, bạn sẽ trẻ ra 10 tuổi”.

Một người xưng là bác sĩ tên Q. ở Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết: “Về phương pháp tế bào gốc là sử dụng laser C02 professional giá 3triệu đồng/lần, sau đó tiêm thêm chất kích thích là tế bào gốc với giá tầm 10 triệu đồng, tiêm 1 lần sau 3 tháng sau mới tiêm lại”. Ảnh cắt từ Clip.

Một người xưng là bác sĩ tên Q. ở Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh cho biết: “Về phương pháp tế bào gốc là sử dụng laser C02 professional giá 3triệu đồng/lần, sau đó tiêm thêm chất kích thích là tế bào gốc với giá tầm 10 triệu đồng, tiêm 1 lần sau 3 tháng sau mới tiêm lại”. Ảnh cắt từ Clip.

Trong vai khách hàng có nhu cầu làm đẹp, phóng viên tìm đến Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, địa chỉ số 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong thì được nhân viên ở đây tư vấn rất “nhiệt tình” về cả 2 phương pháp làm đẹp trên (PRP và tế bào gốc). Một người xưng là bác sĩ Q. ở đây cho biết: “Về phương pháp tế bào gốc là sử dụng laser C02 professional giá 3triệu đồng/lần, sau đó tiêm thêm chất kích thích là tế bào gốc với giá tầm 10 triệu đồng, tiêm 1 lần sau 3 tháng sau mới tiêm lại”.

Được Bộ Y tế cấp phép là

Được Bộ Y tế cấp phép là "thử nghiệm" trong điều trị thoái hóa khớp gối nhưng Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh lại ngang nhiên sử dụng vào thẩm mỹ. Ảnh cắt từ Clip.

Về phương pháp PRP, người xưng là bác sĩ Q. khẳng định: “PRP cũng là một dạng tế bào gốc trong phương pháp điều trị sẹo rỗ. Bệnh viện sẽ sử dụng phương pháp laser C02 kết hợp tiêm với tế bào gốc tốt hơn so với việc sử dụng công nghệ PRP”.

Tuy nhiên, trả lời Báo Sức Khỏe Cộng đồng, đại diện Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh lại phủ nhận thông tin có áp dụng 2 biện pháp PRP và tế bào gốc trong thẩm mỹ. “Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh không thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc và PRP trong thẩm mỹ. Phương pháp ghép tế bào gốc và PRP đang thực hiện taị Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh nhằm điều trị một số bệnh lý như: Thoái hóa khớp gối, Đái tháo đường ... và phương pháp này đã được Bộ Y tế cấp phép thực hiện theo đúng quy định”, trả lời từ phía Bệnh viện.

Chúng tôi cũng đã liên hệ và đặt lịch làm việc với người phát ngôn Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh để tìm hiểu, xác minh thông tin như trên. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ Sở Y tế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại ở Việt Nam, Bộ Y tế vẫn chưa cấp phép sử dụng thành phần tế bào gốc từ người trong mỹ phẩm. Nhau thai người thuộc danh mục các chất không được phép sử dụng trong mỹ phẩm.

Đến nay, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), Sở Y tế TP HCM chưa cấp số tiếp nhận công bố sản phẩm cho bất kỳ sản phẩm mỹ phẩm nào có chứa nhau thai và tế bào gốc có nguồn gốc từ con người.

Trả lời trên báo chí, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM từng khẳng định, hiện kỹ thuật PRP chưa được Bộ Y tế cấp phép thực hiện tại các cơ sở làm đẹp, nếu các cơ sở vẫn thực hiện là phạm luật.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra các cơ sở thẩm mỹ, những điểm kinh doanh mỹ phẩm và sẽ xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh loại mỹ phẩm làm từ nhau thai người, tế bào gốc người” - bác sĩ Huỳnh Mai trả lời trên báo Giáo dục TP HCM.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ - cố vấn khoa học của Ruy Băng Tím (tổ chức phi lợi nhuận về phòng chống ung thư tại Việt Nam) - cho rằng, tuy khoa học kỹ thuật hiện đại đã khám phá ra nhiều cơ chế, quy luật để điều khiển tế bào gốc biến đổi theo ý muốn nhưng vẫn chưa thật sự thành công, nhất là khi ứng dụng lên người. Vẫn còn nhiều thử nghiệm lâm sàng cho thấy không hiệu quả và thậm chí ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ Vũ Thái Hà, Khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương trả lời trên Báo Giao thông khẳng định: "Y học hiện nay vẫn đang có những nghiên cứu chuyên sâu để tách chiết tế bào gốc theo ý muốn của con người, nhưng ưu tiên trước hết là dùng trong việc chữa bệnh cứu người, sau đó mới đến làm đẹp. Chính vì vậy, trước khi công nghệ tế bào gốc làm đẹp được cấp phép chính thức, người dân không nên tin theo đồn đoán để sử dụng một phương pháp làm đẹp mơ hồ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe".

Bác sĩ Hà cho hay, dù quảng cáo là tiêm tế bào gốc trẻ hóa nhưng thật ra đó là những tế bào từ trung mô và hay gặp nhất là mỡ tách chiết ra, không phải là tế bào gốc. Đó là chưa kể đến việc sử dụng mỡ phải đảm bảo vô trùng, nếu không rất dễ gây nhiễm trùng mỡ cực kỳ phức tạp và dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mặc dù, trong suốt thời gian dài, quảng cáo, tiếp thị và thực tế tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh vẫn ngang nhiên sử dụng trái phép phương pháp tế bào gốc và PRP trong thẩm mỹ. Tuy nhiên, cơ quan quản lý về khám chữa bệnh - ở đây cụ thể là Sở Y tế TP. HCM chưa hề có một “động thái” quyết liệt nào nhằm ngăn chặn, xử lý. Vấn đề đặt ra là, nếu trong quá trình áp dụng phương pháp chưa được cấp phép tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh mà để xảy ra hậu quả thì Sở Y tế có chịu trách nhiệm?

Làm đẹp với công nghệ PRP (Platelet Rich Plasma) còn được gọi là phương pháp làm đẹp bằng máu. Công nghệ PRP: Đây là cách sử dụng chính máu của bệnh nhân để đi chiết tách bằng cách đem bỏ máy quay li tâm để lấy ra phần huyết tương giàu tiểu cầu (có lợi cho da), sau đó dung nó để điều trị chống lão hóa, cải thiện vẻ đẹp bên ngoài của họ).

Công nghệ tế bào gốc: Tế bào gốc hay tế bào mầm (Stem cell) là những tế bào còn ở dạng sơ khai, có khả năng sinh sản (phân chia) dường như vô tận và có khả năng biến đổi (biệt hóa) thành nhiều loại tế bào khác nhau để hình thành và thay thế nhằm duy trì các cơ quan tổ chức của cơ thể. Tế bào gốc lấy từ: Phôi thai (phôi thai tạo thành từ trứng thụ tinh do quan hệ tình dục, phôi thai do thụ tinh nhân tạo); Sinh sản vô tính từ tế bào trứng; Từ nước ối thai nhi và máu cuống rốn, màng dây rốn sau sinh; Từ các cơ quan của cơ thể trưởng thành: Tủy xương, da, mỡ…

Bài liên quan