Bêu tên dưới cờ để học sinh thấy xấu hổ, nhục nhã nhưng liệu các em có thay đổi hành vi?

Thứ tư, 09/12/2020, 09:35 AM

Việc bêu tên học sinh trước trường là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi. Tuy nhiên sự việc nữ sinh An Giang lại mang đến tác động ngược lại.

Nữ sinh An Giang bị bêu tên dưới cờ khiến em xấu hổ.

Nữ sinh An Giang bị bêu tên dưới cờ khiến em xấu hổ.

Kỷ luật là điều không thể thiếu trong giáo dục tuy nhiên một triết lý kỷ luật tích cực để không giáo dục học sinh dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi là điều còn thiếu trong giáo dục hiện nay.

Việc bêu tên học sinh trước trường là hình thức kỷ luật dựa trên nguyên tắc làm học sinh cảm thấy xấu hổ, nhục nhã, giảm giá trị, qua đó, hy vọng các em sẽ thay đổi hành vi. Hình thức này thuộc dạng kỷ luật truyền thống, được áp dụng nhiều.

Tác động của hình thức kỷ luật này là cách làm đơn giản, đánh vào tâm lý các em để các em ban đầu là xấu hổ, sợ hãi từ đó không dám tái phạm. Tuy nhiên tác động ngược rất nhiều đó là sình sự oán giận. Thậm chí, một số em có hành vi trả đũa bằng cách chống đối giáo viên hay tự gây hại cho bản thân, khiến mọi người hối hận vì đã phạt mình.

Trường hợp nữ sinh tự tử ở An Giang sau lá thư tuyệt mệnh là một dạng phản ứng tiêu cực. Nữ sinh này uống thuốc tự gây hại bản thân để phản ánh mình không chấp nhận, đồng ý với cách xử phạt của thầy cô. Nữ sinh muốn lấy cái chết để khẳng định không sai để thầy cô xử phạt mình phải hối hận.

Có trường hợp do cách xử phạt dưới cờ quá nhiều dẫn đến học sinh trơ không cảm giác xấu hổ, coi hành vi của mình là bình thương. Khi không còn cảm giác xấu hổ với vi phạm của mình học sinh sẽ lỳ lợm, khi đó mục đích giáo dục vừa không đạt được còn khiến học sinh hư hơn.

Do đó việc bêu tên học sinh trước toàn trường là bạo lực tinh thần. Trường hợp này liên quan một số hình thức bạo lực như bằng lời nói (mắng nhiếc), bêu tên, lấy lỗi cá nhân để bôi xấu trước toàn trường và có thể có dạng khác là bỏ mặc.

Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, việc phê bình học sinh trước lớp, trường không còn được cho phép. Tuy nhiên "phép vua thua lệ làng" như câu chuyện học thêm vẫn diễn ra dù cấm. 

Câu chuyện nữ sinh tự tử ở An Giang chỉ là điển hình khi sự việc được đưa lên báo chí và phương tiện truyền thông. Điều cần thiết với các nhà trường là giáo viên cần quán triệt triết lý kỷ luật tích cực chứ không phải dựa trên sự đau đớn, nhục nhã, sợ hãi.