Biết nhiễm Covid-19 không khai báo y tế thì bị xử lý như thế nào?

Chủ nhật, 22/03/2020, 19:24 PM

Người biết mình đã bị nhiễm bệnh Covid-19 mà bản thân không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng có thể bị xử lý hình sự.

Empty

Trên mục hỏi đáp trực tuyến Cổng thông tin điện tử, Bộ Công an vừa có giải đáp thắc mắc của người dân về việc xử lý người biết mình đã bị nhiễm Covid-19 mà không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người, khiến dịch bệnh lây lan.

Theo đó, một người dân đặt câu hỏi: "Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tôi muốn hỏi Bộ Công an, trường hợp người biết mình đã bị nhiễm bệnh mà bản thân không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng thì bị xử lý như thế nào?".

Trả lời việc này, Bộ Công dẫn ra quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020, Quyết định số 07/2020/QĐ- TTg ngày 26/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì các hành vi sau đây bị nghiêm cấm:

“Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này. 

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”.

Do đó, đối với hành vi “người biết mình đã bị nhiễm bệnh Covid-19 mà bản thân không khai báo y tế và vẫn tiếp xúc với mọi người khiến dịch bệnh lây lan rộng”, tùy tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi che giấu bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, bị xử phạt vi phạm hành chính đến 1.000.000 đồng.

"Điều 6. Vi phạm quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm

1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

b) Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định về xử lý hình sự

Hành vi làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử lý trách nhiệm về hình sự về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù.

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiếm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm: 

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Đến thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào là “Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” theo điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự đối với người có các hành vi như trên làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người, cơ quan chức năng cần kiến nghị, đề xuất Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bài liên quan