Bitexco thâu tóm Du lịch Hương Giang giá rẻ: Thanh tra Chính phủ vào cuộc

Thứ sáu, 03/08/2018, 10:25 AM

Chiều 2/8, tại họp báo thường kỳ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trả lời báo chí liên quan đến vụ lùm xùm Bitexco thâu tóm Công ty Du lịch Hương Giang.

Bitexco
Khách sạn SaiGon Morin (Huế) tọa lại trên khu đất đắc địa.

Ông Hoàng Ngọc Khanh cho biết, sau khi có thông tin từ dư luận, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế báo cáo việc tỉnh chuyển nhượng hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Sau khi tỉnh có báo cáo, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có kết luận về vụ việc.

Theo đó, các Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh xác định lại vấn đề nhà đầu tư chiến lược theo cam kết với tỉnh. Đồng thời, các Phó Thủ tướng yêu cầu đối với đất đai của Công ty Du lịch Hương Giang doanh nghiệp chỉ được cho thuê đất và không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, hiện đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đang thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh, trong đó có nội dung thanh tra việc tỉnh thoái vốn nhà nước tại Công ty Du lịch Hương Giang.

Trước đó, thông tin việc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển nhượng hơn 60% cổ phần tại Công ty Du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco không qua đấu giá đã dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận.

Đặc biệt khi doanh nghiệp này nhận chuyển nhượng nhiều khu “đất vàng” có giá trị lớn, nhiều dự án khách sạn có “tên tuổi” tại cố đô. Thực tế này đã khiến dư luận đặt băn khoăn về việc Bitexco được “ưu ái” nhận chuyển nhượng hàng loạt khu đất vàng với giá rẻ.

Đáng nói, thời điểm nhận chuyển nhượng, Bitexco tuyên bố sẽ biến những nơi này đẹp hơn, sang trọng và thu hút nhiều du khách hơn cho Huế nhưng chỉ ít lâu sau khi mua xong họ bán ngay cho doanh nghiệp nước ngoài để kiếm lời?

Cụ thể, Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang nguyên là Công ty Du lịch Hương Giang - doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế về du lịch. Công ty này nắm giữ hầu hết các khách sạn lớn nằm ở các khu "đất vàng" đắc địa nhất tại TP. Huế và biển Lăng Cô. Bên cạnh đó, hai công ty con của Công ty Du lịch Hương Giang cũng nắm giữ nhiều khu "đất vàng" ở TP.Huế.

Tháng 7/2007, Công ty Du lịch Hương Giang cổ phần hóa trở thành Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang. Trong đó, phần vốn của Nhà nước nắm giữ là 62,8%.

Đến tháng 3/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện chủ trương thoái vốn nhà nước và bán toàn bộ cổ phần trong Công ty du lịch Hương Giang cho Tập đoàn Bitexco. Tổng số cổ phần là 12.572.200 được bán với giá 158 tỷ đồng.

Với tỉ lệ cổ phần chi phối, Bitexco sở hữu luôn một loạt khách sạn lớn, sang trọng, nằm ở những vị trí đắc địa bậc nhất tại Huế như Hương Giang Resort & Spa, Sài Gòn Morin, Laresidence, Citadel cùng nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm b, khoản 4 Điều 38 Nghị định 91/2015, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp như Công ty Du lịch Hương Giang phải thực hiện thông qua đấu giá công khai. Nếu đấu giá công khai không thành công thì tiếp tục đấu giá cổ phần theo lô, cuối cùng mới bán thoả thuận trực tiếp với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà đã chuyển nhượng trực tiếp cho doanh nghiệp tư nhân.

Về phía tập đoàn Bitexco, sau khi mua lại cổ phần từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cộng với hơn 7,6% cổ phần đã mua trước đó, Bitexco đã chiếm giữ hơn 70,4% cổ phần, trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang.

Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, ngày 24/10, Bitexco đã bán lại 5.758.000 cổ phần cho một doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc) là Công ty TNHH Kei Sei (nay có tên là Công ty TNHH Crystal Treasure), giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 41,7%.

Như vậy, Bitexco đã chuyển phần lớn cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang với hàng loạt khu “đất vàng” cho doanh nghiệp nước ngoài. Thương vụ này đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc tài sản công bị bán rẻ, gây thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, Bitexco từng tuyên bố đủ năng lực để biến các khu “đất vàng” này thành điểm đáng đến của Huế nhưng lại vội vàng bán ngay cho nước ngoài?

Điều này một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, liệu doanh nghiệp này có phải chỉ là một đơn vị “trung gian” mua bán kiếm lời từ việc "sang tay" dự án hay vì lý do nào khác?

 

Những dự án ‘tai tiếng’ và dấu hỏi về năng lực tài chính của Tập đoàn Bitexco

Tập đoàn Bitexco được giao thực hiện nhiều dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra chính phủ và thực tế triển khai thực hiện các dự án đã nói lên năng lực đầu tư hạn chế của doanh nghiệp này.

 

Bitexco lên tiếng về dự án BT ‘đội vốn’ nhưng vẫn im lặng trước các sai phạm

Dù những kết luận của Thanh tra Chính phủ đã rất rõ ràng, nhưng khi trả lời báo chí Bitexco vẫn im lặng trước những câu hỏi về sai phạm của mình.

 

Dự án BT đội vốn không căn cứ lên tới 36 tỷ của Bitexco: Sai phạm chồng chất, CĐT không đảm bảo năng lực

Đội vốn không căn cứ, thi công “ì ạch”, chậm tiến độ và nhiều sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ chỉ rõ tại dự án BT đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, vạch rõ năng lực của CĐT dự án là Công ty Cổ phần Bitexco.