Bộ GD&ĐT lên tiếng việc giữ hay bỏ trường chuyên

Chủ nhật, 05/07/2020, 13:25 PM

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của nhà nước nên không thể xã hội hóa.

Giữ hay bỏ mô hình trường chuyên đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Tiền Phong.

Giữ hay bỏ mô hình trường chuyên đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Ảnh: Tiền Phong.

Những ngày qua câu chuyện nên giữ hay bỏ trường chuyên đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi. Người thì cho rằng, trường chuyên có những hạn chế nhất định, không còn cần thiết trong bối cảnh hiện nay; người khác lại cho rằng, trường chuyên đã làm rất tốt nhiệm vụ đào tạo nhân tài cho đất nước.  

Nói về vai trò của hệ thống trường chuyên hiện nay, một số chuyên gia trong ngành Giáo dục cho rằng hệ thống này đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. GS.TS. Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, hiện có sự bất bình đẳng trong đầu tư ngân sách khi học sinh trường bình thường được chi ngân sách ít hơn so với học sinh hệ chuyên mỗi năm.

Bên cạnh đó, trường chuyên chủ yếu hình thành và phát triển ở các thành phố  lớn; học sinh ở các vùng quê, miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn dù có mong muốn song cơ hội tiếp cận hệ thống giáo dục này rất khó khăn.

Tuy nhiên, trả lời trên báo Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết mô hình trường chuyên đã được thể chế hóa trong các điều luật của nhà nước nên không thể xã hội hóa.

Luật Giáo dục đã quy định, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho trường chuyên.

Vì là trường chuyên nên đội ngũ giáo viên là những người có năng lực trội hơn nên chất lượng giáo dục đại trà trong các trường THPT chuyên cũng đạt được chất lượng cao, từ đó mới nói đến chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Số lượng học sinh thi quốc tế, quốc gia không nhiều. Học sinh trong trường chuyên học chương trình bình thường, chỉ có những học sinh ở lớp chuyên mới học thêm các chuyên đề chuyên sâu của môn học theo năng khiếu, sở trường.

Nói về việc mô hình trường chuyên đang bị biến tướng, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho hay: "Mô hình trường chuyên hiện nay được phát triển trên cơ sở đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 đã được Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định 959/QĐ-TTg năm 2010 (Đề án 959).

Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá một cách căn bản quá trình phát triển trường chuyên, xác định rõ đến giờ chúng ta đã đạt được những gì để đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; đồng thời phát hiện những gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó xác định hướng đi căn bản cho hệ thống trường chuyên trong thời gian tiếp theo".

Bài liên quan