Bộ trưởng Tô Lâm: Tín dụng đen như 'cướp ngày'

Thứ ba, 04/06/2019, 09:50 AM

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đứng phía sau lập ra tổ chức tội phạm tín dụng đen là đối tượng hình sự hoặc chăn dắt đối tượng hình sự, xăm trổ.

bo-truong-to-lam-tin-dung-den-la-cuop-ngay
Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm trả lời chất vấn sáng nay 4/6. Ảnh chụp màn hình

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 14, hôm nay 4/6 Quốc hội bắt đầu bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn.

Một trong nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm là vấn đề tín dụng đen, sự gia tăng tổ chức tội phạm tín dụng đen.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, băng nhóm tội phạm xã hội đen len lỏi vào các hoạt động kinh tế. Nhiều đối tượng hình sự có dấu hiệu cải tà quy chính, gác kiếm làm ăn nhưng thực chất sử dụng vỏ bọc hoạt động kinh tế để thực hiện hành vi phạm tội.

Điển hình như các công ty khai thác cát, đá, sỏi các doanh nghiệp danh nghĩa tổ chức tư vấn, hỗ trợ tài chính. Bản chất ông chủ công ty này là tội phạm hình sự, hoặc nuôi, chăn dắt đối tượng hình sự.

Riêng về tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, các loại tội phạm này xuất phát từ từ quan hệ dân sự giữa người cho vay và đi vay. Người đứng đầu Ngành Công an chỉ rõ có trường hợp người vay cũng là đối tượng phạm tội, bởi sản xuất kinh doanh bình thường không thể tạo ra lợi nhuận để trả khoản lãi lên đến 300%.

Người đi vay có khi là đối tượng cờ bạc, buôn bán hàng lậu đang cần gấp một số tiền lớn để thực hiện một phi vụ nên bất chấp lãi suất.

Còn đối tượng cho vay, lập ra tổ chức tín dụng đen là đối tượng hình sự, chăn dắt, sử dụng đối tượng xăm trổ đến đòi nợ nhưng có thể nói “cướp ngày”.

Theo Bộ Công an, thống kê chưa đầy đủ trong khoảng 4 năm gần đây cho thấy, trên toàn quốc xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”; trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền).

Hiện tại lực lượng Cảnh sát hình sự đã rà dựng và hiện đang quản lý hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê.

bo-truong-to-lam-tin-dung-den-la-cuop-ngay
 Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đứng phía sau lập ra tổ chức tội phạm tín dụng đen là đối tượng hình sự hoặc chăn dắt đối tượng hình sự, xăm trổ. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công an, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông và tính lưu động của các băng nhóm liên quan đến tín dụng đen, hoạt động của các đối tượng hình sự gốc Bắc di chuyển vào Nam, Tây Nguyên và những nơi có chủ trương thành lập đặc khu kinh tế, “tín dụng đen” đang len lỏi đến cả vùng nông thôn và được ví như “cướp ngày” gây bất ổn trong xã hội.

Các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thường gắn với tội phạm có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phổ biến là: phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng.

Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng biến tướng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan Công an.

Nếu các con nợ không trả đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ…

Bộ Công an thừa nhận, những hành vi này hầu hết chưa xử lý được về hình sự song lại gây sự sợ hãi, hoang mang bất an, lo lắng, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình, gây bức xúc cho quần chúng nhân dân xung quanh.

Nhiều nạn nhân bị các đối tượng khống chế, đe dọa nhưng không dám tố cáo, hợp tác, cung cấp tài liệu với cơ quan công an. Đặc biệt là số các đối tượng trong các công ty có chức năng đòi nợ thuê được Nhà nước cấp phép hoạt động, thực chất là không ít các băng, nhóm tội phạm núp bóng công ty, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 47/63 địa phương có các cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 12 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động và các công ty này có nhiều vi phạm về an ninh, trật tự; tiến hành đòi nợ bằng hình thức “khủng bố tinh thần”, cấu kết với các băng nhóm tội phạm bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ.

 

Xăng giảm, doanh nghiệp âm quỹ bình ổn gần 1.000 tỷ đồng

Giá xăng dầu vừa giảm 2 lần liên tiếp với mức giảm thấp nhưng doanh nghiệp vẫn đang bị âm với tổng số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

 

Bamboo Airways và Vietjet Air dừng đường bay tỉnh không sinh lời

Sau thời gian liên tiếp mở nhiều đường bay tỉnh, Vietjet Air và Bamboo Airways đang có động thái cải thiện hiệu quả khi dừng bay những tuyến không sinh lời.

 

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra phản ánh tôm hùm đất được bày bán số lượng lớn

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có chỉ đạo yêu cầu các Bộ, Ngành liên quan kiểm tra phản ánh tôm hùm đất được bày bán số lượng lớn.