Thứ năm, 07/11/2019, 09:26 AM
  • Click để copy

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn về Khải Silk, Asanzo

Tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh về vụ việc Asanzo, Khải Silk thời gian qua đang được dư luận quan tâm.

Vụ việc Khải Silk xảy ra gần 2 năm nay vẫn chưa có kết luận điều tra.
Vụ việc Khải Silk xảy ra gần 2 năm nay vẫn chưa có kết luận điều tra. (Ảnh: IT).

Khải Silk, Asanzo là điển hình gian lận thương mại

Sáng nay (7/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Trong số các vấn đề nóng được các ĐBQH đưa ra có sự việc liên quan đến Asanzo, Khải Silk... thời gian qua thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận.

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng Công Thương cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam.

Vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, “hàng rào” kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, thiếu minh bạch về quy định hàng Việt Nam đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình).
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình).

“Chính sự thiếu minh bạch này đã làm cho nhiều doanh nghiệp như kiểu Asanzo không biết mình có vi phạm không? Như vậy, đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao. Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không”, ĐBQH đặt câu hỏi.

Đại biểu tỉnh Hòa Bình cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang chết ngay trên sân nhà. Đại biểu đặt câu hỏi liệu kinh tế Việt Nam là "kinh tế mở" hay "kinh tế hở"? Doanh nghiệp Việt Nam “chết” ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra, chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay: Trong một thời gian dài đã diễn ra những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ lừa dối người tiêu dùng.

"Chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khải Silk, Asanzo. Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại.

Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ.

Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một Thông tư mở".

Theo Bộ trưởng cho biết: Hiện nay Bộ Công thương lồng ghép triển khai nhiều chương trình, đề án khác để hỗ hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế.

Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ cần phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như tài chính, khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông, ngân hàng...

Khải Silk sau 2 năm đã điều tra về đâu?

Trước đó Báo Sức Khỏe Cộng Đồng từng đăng tải nhiều loạt bài dẫn các thông tin từ cơ quan chức năng, ý kiến của ĐBQH về vụ việc Khải Silk (Công ty Khải Đức của đại gia Hoàng Khải) bán lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam xảy ra năm 2017.

Nhiều ĐBQH cho rằng, vụ việc xảy ra từ những năm 2017 nhưng đến nay dư luận còn chưa biết Khải Silk có vi phạm pháp luật hay không? Việc điều tra thế nào?

Tháng 5/2019, đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) cho biết: Sự việc vẫn đang được điều tra và chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí. “Bao giờ có kết quả chính thức thì anh em sẽ có trả lời chính thức, còn bây giờ chưa thể cung cấp gì thêm...", ông Tưởng Duy Hiệu - Điều tra viên Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an Hà Nội) trả lời PV.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tại buổi họp báo chính phủ vào chiều ngày 31/5, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Vào cuối năm 2017, lực lượng quản lý thị trường, trực tiếp là Cục Quản lý thị trường lúc đó, đã phát hiện trong cửa hàng của hệ thống Khải Silk có việc giả mạo xuất xứ, cụ thể là hàng khăn lụa Trung Quốc thay thành mác Khaisilk tức là “Made in Việt Nam”.

Sau đó quản lý thị trường đã lập biên bản, tiếp tục mở rộng việc kiểm tra, thành lập một tổ kiểm soát, kiểm tra liên ngành gồm nhiều bộ, ngành cơ quan, mở rộng ra trên phạm vi toàn quốc, kiểm tra trên toàn bộ hệ thống của Khải Silk.

Có thể thấy, có rất nhiều sản phẩm vi phạm tương tự, tức là giả mạo xuất xứ và chúng tôi đã ban hành các hồ sơ liên quan đến các hành vi vi phạm của Khải Silk.

“Ngày 30/10/2017, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã chuyển những hồ sơ này sang Công an TP Hà Nội. Theo chúng tôi biết thì Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, hiện nay đang thực hiện các bước điều tra theo đúng quy định hiện hành”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Đến nay sự việc Khải Silk đã trôi qua được 2 năm thế nhưng kết luận điều tra vụ việc vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố đến dư luận.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-tra-loi-chat-van-ve-khai-silk-asanzo-140984.html