Bộ Y tế đề xuất cấm uống rượu, bia tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Thứ ba, 17/09/2019, 07:05 AM

Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

bo-y-te-de-xuat-cam-uong-ruou-bia-tai-tram-dung-nghi-tren-cao-toc
Bộ Y tế đề xuất cấm uống rượu, bia tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Ảnh minh họa

Một trong những điểm đáng chú ý tại bản Dự thảo này, ngoài đề xuất cấm uống rượu, bia ở các cơ sở y tế; cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; nơi làm việc của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị... Bộ Y tế đề xuất cấm thêm tại một số địa điểm công cộng.

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất cấm uống rượu, bia tại công viên, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc; nhà chờ xe buýt; rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động, nhà thi đấu thể thao...

Về quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ, Dự thảo quy định, các trường hợp quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên báo nói, báo hình trong thời gian từ 18 đến 21 giờ hằng ngày bao gồm: Quảng cáo rượu, bia của đơn vị tài trợ địa điểm tổ chức chương trình đại hội thể thao, giải thi đấu thể thao quy mô khu vực, châu lục hoặc thế giới tổ chức tại Việt Nam được phát sóng trực tiếp trên báo nói, báo hình.

Quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ các quy định: Kích thước biển quảng cáo thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo; bảo đảm khoảng cách tối thiểu là 500m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến khuôn viên của các cơ sở giáo dục, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi, trừ trường hợp biểu hiện của cơ sở kinh doanh rượu, bia. Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời trong phạm vi trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện quảng cáo đến khi hết hợp đồng quảng cáo trên.

Theo Dự thảo, quảng cáo rượu bia, phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định cảnh báo đề phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm một trong các nội dung: “Không được lái xe khi đã uống rượu, bia”, “người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”, “không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi”, “rượu, bia có hại cho thai nhi”, “phụ nữ mang thai không uống rượu, bia”, “uống rượu, bia có thể gây xơ gan”, “uống rượu, bia có thể gây ung thư”.

Dự thảo Nghị định cũng quy định hạn chế hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình.

Trước đó ngày 4/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về công bố Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 vừa qua.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội thông qua tại họp thứ 7 nhằm hoàn thiện thể chế về phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, xã hội, kinh tế (đặc biệt là tai nạn giao thông, gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình..) thông qua các biện pháp về giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp, hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, phòng, chống các tác động đến kinh tế, trật tự và an toàn xã hội.

Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Việc xây dựng Luật dựa trên các quan điểm ưu tiên bảo vệ sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân, gia đình và xã hội, là nguồn lực quý giá trong phát triển bền vững đất nước; giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng rượu, bia gây ra. Ngoài ra, phòng ngừa và giảm bớt các hậu quả về xã hội (tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, thương tích, an ninh trật tự, bất bình đẳng giới, đói nghèo) và gánh nặng kinh tế để khắc phục hậu quả do sử dụng rượu, bia gây ra…

Nội dung chủ yếu là Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập...

 

Uống rượu bia gây tai nạn giao thông, người ép uống phải bồi thường

Đó là quy định đã có từ lâu tại Bộ luật Dân sự 2015 tuy nhiên chỉ đến khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được thông qua thì trách nhiệm người ép người khác uống rượu bia gây ra tai nạn mới được chú ý.

 

90% các vụ tai nạn do uống rượu bia lái xe do nam giới

Đây là số liệu thống kê của lực lượng CSGT trên toàn quốc, Nam giới gây ra 80%-90% các vụ TNGT do uống rượu bia rồi lái xe, tai nạn xảy ra vào buổi tối (18h-24h) và cao hơn vào các ngày cuối tuần.

 

Dự Luật phòng chống tác hại rượu bia: Đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm

Đó là quan điểm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng liên quan tới câu hỏi của báo chí về Dự luật Phòng, chống tác hại rượu bia trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.