Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không tăng giá khám, chữa bệnh

Thứ bảy, 06/03/2021, 10:48 AM

Sau thông tin về việc Bệnh viện Bạch Mai tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh gây bàn tán trong dư luận, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo.

Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không tăng giá khám, chữa bệnh. (Ảnh minh họa).

Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không tăng giá khám, chữa bệnh. (Ảnh minh họa).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký ban hành văn bản về việc giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện, kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu).

Trước đó, Bộ Y tế nhận được công văn của Bệnh viện Bạch Mai báo cáo và công khai giá dịch vụ y tế, trong đó có ban hành tạm thời giá “khám bệnh theo yêu cầu” và “giường bệnh theo yêu cầu”.

Theo Bộ Y tế, ngày 27/1, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó chú trọng việc đánh giá, tính toán xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do nhà nước quản lý, trong đó có giá dịch vụ y tế.

Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thì giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng do Bộ Y tế ban hành.

Theo đó, các bệnh viện sẽ được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Trước đó, do diễn biến của dịch bệnh COVID-19 có tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ Y tế ra thông báo chưa ban hành Thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập.

Bộ cũng chưa báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ năm 2021 (kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu và giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Vì vậy, trong khoảng thời gian này, Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện.

Vừa qua, Hội đồng Quản lý của Bệnh viện Bạch Mai đã thông qua nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại Bệnh viện này.

Theo đó, từ 1/4, giá khám bệnh theo yêu cầu tùy theo trình độ, học hàm, học vị của cán bộ y tế. Cụ thể, người bệnh đăng ký khám giáo sư là 550.000 đồng/lượt; khám phó giáo sư: 450.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng và khám thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa: 250.000 đồng.

Về giá giường bệnh theo yêu cầu có 4 loại, trong đó, giường chăm sóc toàn diện - loại 1 (1 người/phòng): 2,3 triệu đồng/người/ngày; giường chăm sóc toàn diện - loại 2 (2 người/phòng): 1,8 triệu đồng/người/ngày; giường chăm sóc toàn diện - loại 3 (3 đến 4 người/phòng): 1,390 triệu đồng/người/ngày.

Bệnh viện Bạch Mai cũng có hình thức giường chăm sóc toàn diện (tức phòng 2 người/1 người bệnh đề nghị sử dụng hết cả phòng) có giá 3,3 triệu đồng/người/ngày. Giá trên đây đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện.

Nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại BV Bạch Mai áp dụng từ ngày 1/4 nói trên do ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý, Giám đốc BV Bạch Mai, ký.

Có bất công khi kinh doanh trên đất công, ngân sách nhà nước?

Trao đổi với PV về việc một số bệnh viện hiện đang được kinh doanh các loại dịch vụ trên cơ sở hạ tầng có sẵn, một chuyên gia nghiên cứu chính sách y tế nói: "Việc cho phép các Bệnh viện làm dịch vụ ngay trên nền tảng cơ sở hạ tầng có sẵn và nguồn gốc của nó là tài sản Nhà nước nhưng lại được thu tiền và chi cho cá nhân ở các Bệnh viện như hiện nay đã tạo ra một sự bất công giữa các ngành, nghề dịch vụ trong khu vực kinh tế nhà nước".

Vị này cho rằng, trong khối kinh tế mang tính công ích chúng ta có hệ thống trường học công lập, bệnh viện công lập, hệ thống các đơn vị làm công tác môi trường... Vậy nếu Bệnh viện làm được xã hội hóa, lập phòng khám, phòng mổ, phòng điều trị theo yêu cầu, chất lượng cao... để thu thêm tiền phí và dịch vụ của bệnh nhân thì trường học công lập cũng làm theo, các thầy, cô giáo cũng xây lớp chất lượng cao trong khuôn viên nhà trường rồi đặt ra các khoản thu.

"Lúc đó nền kinh tế của chúng ta sẽ bị biến dạng, công không ra công, tư không ra tư. Chúng ta sẽ có một loại dịch vụ y tế không phải công lập hay dân lập nữa mà nó là một sản phẩm lai căng, nhập nhằng, gian lận, thiếu minh bạch và trốn thuế của Nhà nước”, vị này phân tích.

Vị này cũng cho rằng, khi có 2 chế độ công và tư trong cùng một Bệnh viện sẽ gây ra sự bất bình đẳng về mức độ phục vụ. Trong khi khu vực bình dân chấp nhận 2, 3 thậm chí 5 bệnh nhân một giường thì ở khu điều trị dịch vụ, mỗi bệnh nhân một phòng hoặc ít nhất là mỗi người một giường.

Dẫu vậy, theo vị chuyên gia này, điểm đáng nói ở đây là các phòng ấy có thể được xây bằng nguồn vốn liên doanh, đóng góp phi ngân sách. Tuy nhiên, những phòng này lại được xây trên đất của Bệnh viện công tức là đất của Nhà nước. Chưa kể nhiều Bệnh viện tận dụng luôn các phòng bệnh có sẵn để làm dịch vụ...