Cà phê đường tàu: Bộ GTVT nói 'di dời là yêu cầu cấp thiết'

Thứ bảy, 23/11/2019, 06:43 AM

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị liên quan đến việc người dân sống tại Chắn 5 phố Trần Phú xin được kinh doanh “cà phê đường tàu”.

ca-phe-duong-tau-bo-gtvt-noi-di-doi-dam-bao-hanh-lang-an-toan-duong-sat-la-yeu-cau-cap-thiet
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị liên quan đến việc người dân sống tại Chắn 5 phố Trần Phú xin được kinh doanh “cà phê đường tàu”. 

Bộ Giao thông Vận tải  vừa có văn bản trả lời phiếu chuyển đơn kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng và văn bản của Văn phòng Chính phủ về kiến nghị của các hộ dân xóm đường tàu - Chắn 5 phố Trần Phú, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về việc cho tồn tại "phố cà phê đường tàu".

Trong văn bản trả lời, Bộ Giao thông Vận tải cho biết luôn ủng hộ các hộ dân kinh doanh phát triển du lịch và bảo đảm đời sống người dân, nhưng phải đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho du khách, an toàn chạy tàu theo đúng qui định của pháp luật, nhất là trong khu vực hành lang, an toàn đường sắt nội đô TP Hà Nội. Vì vậy, việc di dời, tái định cư đối với các hộ dân sống trong khu vực hành lang an toàn đường sắt là yêu cầu cấp thiết.

Vì vậy, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương xử lý. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý, giải tỏa các vi phạm trên để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, du khách nước ngoài và gìn giữ, xây dựng nét văn minh, văn hóa trên địa bàn thành phố.

Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 994 ngày 19/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất Chính phủ, Quốc hội bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm ATGT đường sắt cho phù hợp; đề xuất với Chính phủ thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ATGT đường sắt.

Mặt khác, chỉ đạo Cục Đường sẳt Việt Nam tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị để xảy ra tình trạng mất ATGT, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang ATGT đường sắt.

Bộ GTVT cũng phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc trực tiếp với chính quyền địa phương các quận, phường nơi có đường sắt đi qua để thực hiện giải tỏa dứt điểm các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang ATGT đường sắt.

Trước đó, ngày 20/10, một số đại diện cư dân "phố cà phê đường tàu"  đã gửi kiến nghị chính quyền thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm bỏ rào chắn lối đi vào khu dân cư đồng thời đề xuất các giải pháp an toàn cho khách khi tiếp tục kinh doanh giải khát tại khu vực này.

Theo đó, cư dân xóm "cà phê đường tàu" cam kết tuân thủ hoạt động kinh doanh trong phạm vi tối thiểu cách 1,5 m tính từ đường ray vào đến nhà. Các hộ gia đình sẽ kẻ vạch sơn an toàn và lắp barie chặn lối đi bằng inox trước mỗi cửa hàng và nhà dân để tránh cho du khách vượt vào đường ray.

Các quán sẽ lắp đặt các biển cảnh báo song ngữ Việt - Anh để cảnh báo tàu chạy và không ngồi, đứng gần đường tàu và loa cảnh báo kết nối với chắn tàu trước khi tàu chạy qua. Đồng thời các quán cà phê cũng lắp camera giám sát để phát hiện hộ kinh doanh vi phạm hành lang đường sắt, để khách gặp nguy hiểm.

Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, lãnh đạo quận đã nhận được đơn kiến nghị của người dân bán cà phê đường tàu và đang xem xét cũng như xin ý kiến lãnh đạo TP Hà Nội và các ngành đường sắt, giao thông. Sau khi nhận được các phản hồi, quận sẽ trả lời đơn kiến nghị của người dân.

Về phía ngành đường sắt, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, việc du khách đi lại xung quanh đường tàu gây mất an toàn khi có tàu chạy qua và gây cản trở đến việc duy tu bảo trì đường sắt. Ngoài ra, khi đi qua tụ điểm cà phê, tàu thường phải chạy chậm hơn 30 km/h và lái tàu phải chờ du khách nhường đường, gây chậm tàu. Nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy nên có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại khu vực này.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/ca-phe-duong-tau-bo-gtvt-noi-di-doi-la-yeu-cau-cap-thiet-142633.html