Cần phải xét nghiệm khách quan về nước sạch Sông Đà sau vụ nhiễm dầu thải

Thứ bảy, 19/10/2019, 12:38 PM

Các chuyên gia khẳng định, để người dân Thủ đô an tâm sử dụng nước sạch do nhà máy nước sạch Sông Đà cấp sau vụ nhiễm dầu thải thì cần phải có nhiều cơ quan độc lập xét nghiệm.

Theo các chuyên gia, cần có các cơ quan chức năng độc lập, các nhà khoa học vào cuộc xét nghiệm nước sạch Sông Đà. (Ảnh: TTXVN).
Theo các chuyên gia, cần có các cơ quan chức năng độc lập, các nhà khoa học vào cuộc xét nghiệm nước sạch Sông Đà. (Ảnh: TTXVN).

Đừng để doanh nghiệp tự đá bóng, tự thổi còi

Gần 10 ngày kể từ khi vụ việc đổ trộm dầu thải ở Hòa Bình gây ô nhiễm nguồn nước sản xuất của nhà máy nước sạch Sông Đà (chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco) gây ảnh hưởng đến hàng vạn hộ dân phía Tây Nam Hà Nội.

Đến nay, Viwasupco và TP Hà Nội đã có thông báo cấp nước trở lại và công bố kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước sạch do nhà máy nước sạch Sông Đà sản xuất.

Thế nhưng, trả lời báo chí lãnh đạo Viwasupco vẫn đưa ra khuyến cáo người dân chỉ nên dùng nước này để tắm giặt không dùng trong ăn uống và cũng chưa công bố thời gian cụ thể nào nguồn nước sạch này đảm bảo để người dân sử dụng ăn uống.

Tối 17/10, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã phát đi thông cáo báo chí về kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại nhà máy nước sông Đà hôm 14/10.

Theo Viwasupco, ngày 16/10, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã có báo cáo nhanh số 3428/BC-KSBT về kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại nhà máy nước sông Đà hôm 14/10.

Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco tự thông báo về chất lượng nước sạch sau vụ ô nhiễm dầu thải.
Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà - Viwasupco tự thông báo về chất lượng nước sạch sau vụ ô nhiễm dầu thải.

Kết quả thể hiện 8/8 mẫu nước đều đạt chỉ tiêu. Trong đó, 1 mẫu nước thành phẩm tại nhà máy nước sông Đà đạt 107/107 chỉ tiêu mức độ giám sát A,B,C theo QCVN 01:2019/BYT. 7/7 mẫu nước còn lại đạt 15/15 chỉ tiêu mức độ giám sát A và chỉ tiêu Styren.

Báo cáo nhanh của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội do ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc ký tên cũng thể hiện, các mẫu kiểm tra đều đạt các chỉ tiêu

Trên nhiều diễn đàn mạng của cộng đồng cư dân các khu đô thị bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sạch có mùi khét vừa qua nhiều người dân truyền tay nhau kết quả xét nghiệm mà Viwasupco công bố trên trang website.

Tuy nhiên, cũng có không ít những người dân thắc mắc tại sao kết quả xét nghiệm nước đảm bảo nhưng nước của gia đình họ vẫn có màu đục. Thậm chí trên diễn đàn cư dân HH Linh Đàm một số người còn đăng hình ảnh khi lấy nước thả vào cá thì cá chết.

Cùng với đó là những hoài nghi về kết quả xét nghiệm bởi theo nhiều người từ khi phát hiện hôm 10/10 đến mấy hôm sau Viwasupco vẫn thường xuyên công bố kết quả chất lượng nước đảm bảo.

Cần chuyên gia độc lập

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Văn Khải (chuyên gia vật lý, hóa hoc được mệnh danh là ông già Ozon) cho rằng: Để người dân thực sự yên tâm thì cơ quan chức năng cần mời những nhà khoa học, những tổ chức độc lập vào lấy kết quả nguồn nước ở nhà máy nước sạch Sông Đà và lấy kết quả nước từ vòi nhà dân để đối chiếu, xét nghiệm.

"Có như vậy người dân mới có thể yên tâm, tin tưởng khác quan. Chúng ta còn nhớ vụ cháy nhà máy Rạng Đông. Mỗi cơ quan xét nghiệm cho ra 1 kết quả rất khác nhau vì cách lấy mẫu khác nhau...", TS Khải nói.

Bản kiểm tra chất lượng nước của Sông Đà thời điểm người dân phát hiện mùi khét cũng khiến dư luận nghi ngờ.
Bản kiểm tra chất lượng nước của Sông Đà thời điểm người dân phát hiện mùi khét cũng khiến dư luận nghi ngờ.

Theo TS Khải, mẹo đơn giản nhất xem nước có sạch không mà người dân có thể áp dụng đó là thả cá vào nước đó xem cá có thể sống được không? Ông cũng đưa ra khuyến cáo người dân nên tẩy rửa bể thật sạch bởi dầu thải bám rất lâu và rất khó tẩy rửa. "Trong dầu thải có nhiều chất độc hại có thể gây bệnh tật về lâu dài", TS Khải kết luận.

Trong khi đó, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường, cho rằng khi nhà máy nước xảy ra sự cố, việc khẩn trương khắc phục để ổn định cuộc sống cho người dân là bắt buộc. Tuy nhiên, theo ông, chỉ số chất lượng nước Hà Nội công bố có nhiều điểm nghi vấn.

"Công nghệ ở các nhà máy nước bình thường không có khả năng xử lý những sự cố lớn thế này. Các công đoạn chỉ bao gồm lọc, làm trong, khử trùng chứ không có bước như lọc dầu thải. Công nghệ thì vẫn thế, tôi chưa hiểu tại sao họ có thể cho ra được nước thành phẩm đạt chỉ tiêu chất lượng", ông Sỹ đặt câu hỏi.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, để nói nước có đảm bảo hay không thì cần lấy mẫu phân tích. Các mẫu nước đều phải đạt tiêu chuẩn QCVN 01 năm 2009 của Bộ Y tế gồm 109 thông số, trong đó có các thông số loại A, loại B và loại C.A, B, C là tần suất giám sát, kiểm soát. Thông số loại A bắt buộc phải kiểm tra hàng tuần do cơ sở cung cấp nước thực hiện, loại B 6 tháng phải lấy 1 lần, loại C là 2 năm. Đối với styrene, thông số loại C nên không bắt buộc phải kiểm tra hàng tuần. Nhưng phải kiểm tra đột xuất nếu phát hiện cao bất thường."Nếu họ tuyên bố nước đấy an toàn, tức là đã đạt cả 109 thông số theo quy chuẩn QCVN 01 của Bộ Y tế. Ngoài ra, họ cần xét nghiệm, công bố kết quả mẫu nước trước, trong và sau xử lý, cả nước ở các nhà dân. Nhưng tôi chưa thấy các cơ quan, hay đơn vị cấp nước làm việc này", ông Sỹ nói.

Có cùng ý kiến, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS Môi trường), cho rằng các kết quả quan trắc, đánh giá mẫu nước đang không khách quan, kịp thời.

"Các thông tin quan trắc chất lượng nước nên được cung cấp bởi các cơ quan quản lý, đơn vị đánh giá độc lập, chứ không thể để doanh nghiệp họ đánh giá, công bố kết quả được. Họ sản xuất nước ra rồi bảo nước sạch liệu người dân có tin không?", ông Sơn đặt câu hỏi.

Ông Sơn cho rằng các cơ quan đánh giá độc lập, các đơn vị uy tín như Tổng cục Môi trường nên tham gia đánh giá chất lượng nước, đặc biệt là nguồn nước đầu vào. Phải có ít nhất 3 cơ quan đánh giá, chỉ khi nào nguồn nước đầu vào đạt tiêu chuẩn, thì việc sản xuất nước mới đảm bảo an toàn.