Bóc mẽ chiêu quảng cáo lập lòe của doanh nghiệp thực phẩm chức năng

Thứ ba, 24/04/2018, 10:38 AM

Sử dụng mô típ quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng dưới dạng các bài viết cảm nhận của người bệnh, sử dụng cụm gây hiểu nhầm như từ giúp điều trị, giúp khỏi bệnh, thoát khỏi bệnh... khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc.

lhh-viet-namchuyen-dong-24h-dang-tin-thieu-chinh-xac-vu-vinaca_18153881.jpg
Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư nhưng Vinaca được đóng gói từ bột than tre

Có thể nói chưa bao giờ thực phẩm chức năng ở nước ta lại tràn lan và dễ dàng mua bán, sử dụng đến vậy. Người người bán, nhà nhà bán. Nhiều loại sản phẩm được quảng cáo thái quá về tính năng, thổi phồng về công dụng như một loại thần dược từ đó “đội giá lên trời”.

Để mua được các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe uy tín, chất lượng, giá cả hợp lý thì cách tốt nhất khách hàng nên tìm kiếm thông tin sản phẩm trên website chính thống của nhà sản xuất để tránh lọt vào “thị trường ma trận” như hiện nay.

Gần đây nhất vụ việc sản phẩm “Ung thư Vinaca Co 3.2” của Công ty TNHH Vinaca được phát hiện làm từ than tre nhưng quảng cáo hỗ trợ điều trị ung thư, u bướu, viêm loét dạ dày, tá tràng... gây rúng động dư luận.

Theo tìm hiểu của phóng viên nhiều doanh nghiệp lại quảng cáo thực phẩm chức năng “lách luật” bằng mô típ chung là sử dụng nhân vật chia sẻ với nội dung trước khi biết đến sản phẩm thì chiến đấu với bệnh tật thế nào, vất vả tìm thầy, tìm thuốc để chữa trị ra sao, rồi nếu không sử dụng tiếp bệnh lại tái phát...

Trong các bài viết của nhân vận, doanh nghiệp khéo léo đưa cụm từ như điều trị, hỗ trợ điều trị, thoát khỏi bệnh...khiến người tiêu dùng lầm tưởng là thuốc.

Bên cạnh đó, để tăng thêm tính chân thật cho sản phẩm của mình, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng hình ảnh bác sỹ tư vấn. Đối với sản phẩm này, doanh nghiệp sử dụng hình ảnh của PGS.TS, bác sỹ đầu ngành nhằm mục đích trả lời câu hỏi thắc mắc của khách hàng.

Khi khách hàng gọi điện đến số “hotline” sẽ có các chuyên gia, dược sỹ có kinh nghiệm nhiều năm tư vấn. Thực hư việc bác sỹ đầu ngành tư vấn trực tuyến qua điện thoại chưa được thẩm định, nhưng việc quảng cáo thực phẩm chức năng một cách “lách luật” là điều khó chấp nhận được.

Tháng 11/2017 Cục An toàn thực phẩm vừa xử phạt Công ty CP phát triển thảo dược Việt Nam có địa chỉ tại : A13, No' 4 Khu đô thị mới Định Công, Phường Định Công, Quận Hoàng Mai, Hà Nội vì quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Theo đó, Hamomax bị xử phạt với tổng số tiền 85 triệu đồng do đã vi phạm 2 hành vi.

Cụ thể, Hamomax đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Đồng thời, Hamomax đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Hamomax trên website http://hamomax.vn dưới hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Đồng thời sử dụng hình ảnh, uy tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm nêu trên.

Các hình thức quảng cáo này cũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện hơn và khi phát hiện cũng không dễ dàng xử lý. Nghị định 158 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ: “Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh”, sẽ bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng.

Trước “cơn bão loạn thị trường”, các chuyên gia xin đưa ra hướng dẫn giúp khách hàng tránh bị “móc túi”, mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Trước khi mua cần lưu ý những thông tin sau: Nguồn gốc xuất xứ, kiểm định của cơ quan chức năng. Khách hàng nên mua sản phẩm của những đại lý, thương hiệu nổi tiếng, có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nơi sản xuất, khuyến cáo sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng kèm theo. Đồng thời, sản phẩm chắc chắn phải qua kiểm duyệt nghiêm ngặt bởi các cơ quan chức năng, và là sản phẩm hợp pháp về tiêu chuẩn được chính phủ cho phép lưu thông trên thị trường.

Ngoài ra khách hàng nên tham khảo giá, bởi cùng sản phẩm chức năng những mỗi nơi bán một giá, không phải cứ đắt là chất lượng sẽ tốt hơn. Giá bán của sản phẩm phải tương đương với giá trị mà nó mang lại và phải hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, vì việc sử dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần có quá trình lâu dài, chứ không chỉ ngày một ngày hai mà có tác dụng ngay.

Trước khi lựa chọn sản phẩm cần tìm hiểu kỹ về thành phần, công dụng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tránh trường hợp “tiền mất tật mang”.

Năm 2017, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm 48 cơ sở vi phạm hành chính với số tiền khoảng 2 tỉ đồng. Cục đã thu hồi 105 giấy xác nhận công bố hợp quy, tiêu hủy 33 lô sản phẩm vi phạm, tạm dừng 49 lô sản phẩm. Cục đã chuyển 6 vụ có dấu hiệu sản xuất thực phẩm chức năng/kinh doanh thực phẩm chức năng giả sang cơ quan cảnh sát điều tra của thành phố Hà Nội và TPHCM để xem xét dấu hiệu hình sự.

 

Cận cảnh 15 tấn hàng rượu, xì gà, thực phẩm chức năng bị tiêu hủy

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội vừa tổ chức tiêu hủy gần 15 tấn thuốc lá, rượu, thiết bị y tế... là hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tịch thu trong thời gian gần đây.

 

Khởi tố đối tượng buôn bán thuốc và thực phẩm chức năng điều trị ung thư giả

Ngày 24/10, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Công Doanh (sinh năm 1981), trú tại Hoàng Mai, Hà Nội, để điều tra về hành vi buôn bán hàng giả.

 

[NÓNG] Phát hiện thuốc điều trị ung thư Vinaca được làm bằng bột than tre tán mịn

Lực lượng chức năng TP Hải Phòng mới đây đã phát hiện một cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư thương hiệu Vinaca từ bột than tán mịn.