Liên tục xảy ra đuối nước ở Công viên nước Thanh Hà: Hệ lụy của việc coi thường pháp luật?

Thứ tư, 25/09/2019, 06:08 AM

Chỉ trong vòng 3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/2019), tại Công viên nước Thanh Hà đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 bé trai thiệt mạng.

Liên tục trong vòng 3 tháng đã xảy ra 2 vụ đuối nước ở Công viên nước Thanh Hà. (Ảnh: Chí Hiếu).
Liên tục trong vòng 3 tháng đã xảy ra 2 vụ đuối nước ở Công viên nước Thanh Hà. (Ảnh: Chí Hiếu).

Liên quan đến vụ việc bé trai 6 tuổi đuối nước tử vong tại Công viên nước Thanh Hà (thuộc khu đô thị Thanh Hà) do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư thuộc phường Phú Lương (quận Hà Đông, Hà Nội).

Đáng chú ý, theo thống kê từ thời điểm Công viên nước được mệnh danh là hiện đại nhất Hà Nội đi vào hoạt động là tháng 6/2019, thì đây đã là vụ việc đuối nước thương tâm thứ 2 chỉ trong vòng 3 tháng.

Trước đó, ngày 12/6, cũng đã xảy ra vụ việc bé trai 2 tuổi đuối nước tử vong tại Công viên nước Thanh Hà. Điều đáng nói, thời điểm đó Công viên này hoạt động bất chấp yêu cầu tạm dừng của cơ quan chức năng sở tại.

Điều này khiến dư luận hoài nghi về việc chủ đầu tư bất chấp pháp luật đưa công viên vào vận hành khi chưa đủ điều khiện an toàn dẫn đến việc bé trai đuối nước tử vong. Một số luật sư cho rằng, trong vụ việc này chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên thay vì khởi tố điều tra truy trách nhiệm thì chủ đầu tư chỉ bị ra quyết định xử phạt số tiền 20 triệu đồng.

Cho đến vụ việc bé 6 tuổi đuối nước tử vong, theo biên bản làm việc của Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hà Đông: "Ngày 22/9 công viên nước Thanh Hà mở cửa hoạt động như thường lệ. Gia đình đến chơi có 1 người lớn và 3 cháu nhỏ vào chơi tại khu vực sông Lười thuộc công viên nước.

Mẹ cháu cho bé 6 tuổi ngồi chơi phao miễn phí tại khu vực sông Lười, thả trôi phao và đón cháu ở đầu bên kia. Khi không thấy bé 6 tuổi trên phao, mẹ cháu đã gọi cứu hộ, an ninh. Phát hiện sự việc, một khách đến chơi cùng với lực lượng cứu hộ đã vớt đưa cháu bé vào phòng y tế cấp cứu, sau đó đưa cấp cứu tại Bệnh viện 103 và chuyển lên Bệnh vjện Nhi Trung ương... sau đó cháu đã mất tại nhà".

Theo biên bản này, thời điểm xảy ra vụ việc (15h30 chiều 22/9), nhân lực của Công viên có 25 người, trong đó 14 an ninh, 6 kỹ thuật viên, 4 cứu hộ và 1 y tế trực.... Trước sự việc trên, Phòng Văn hóa và Thông tin Hà Đông đã "Đề nghị phía công ty rà soát lại trách nhiệm của các bộ phận có liên quan, rà soát lại toàn bộ nội quy, quy chế hoạt động của công viên".

Trao đổi với PV, sau 2 vụ việc đuối nước liên tiếp xảy ra tại Công viên nước Thanh Hà, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật - Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, việc một công viên nước đi vào hoạt động mới 3 tháng mà để xảy ra 2 vụ đuối nước dẫn đến 2 cháu bé tử vong như Công viên nước Thanh Hà là sự việc hy hữu. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt.

Luật sư cho rằng, không thể để Công viên nước Thanh Hà cứ sai phạm rồi  phạt 20 triệu đồng là xong. "Cá nhân tôi luôn mong muốn Hà Nội nói riêng hay cả nước nói chung cần có nhiều khu vui chơi, giải trí cho người dân, đặc biệt là các trẻ em hơn nữa nhưng cần phải tuân thủ các quy định pháp luật", luật sư Bình đề cập.

Theo luật sư Diệp Năng Bình cho biết: "Ngay từ khi Công viên nước Thanh Hà để xảy ra sự việc cháu bé 2 tuổi tử vong hồi tháng 6/2019, tôi đã có ý kiến là cần phải khởi tố tội "Vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 mà theo đó: Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm để ngăn ngừa các trường hợp tương tự thế nhưng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính".

Luật sư Bình cho rằng, công viên nước đã sai và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật khi đưa vào hoạt động nhưng chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao loại hình bơi, lặn. Đây là loại giấy tờ pháp lý do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho đơn vị có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ bể bơi theo quy định pháp luật tại Nghị định 106/2016/NĐ-CP và Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL.

"Và giờ đây, chúng ta lại lấy làm tiếc và sốc khi nghe sự việc đau lòng xảy ra lần thứ 2. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có đầy đủ thông tin xem hoạt động ở nơi đây đã tuân thủ theo các quy định pháp luật, có nhân viên cứu hộ như đã nói ở trên hay không? Nếu lần này Công viên nước Thanh Hà lại sai phạm, có dấu hiệu hình sự thì cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định, tuyệt đối không được bao che", luật sư Bình nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vụ việc này, thông tin mà PV có được, vào ngày 23/9, UBND phường Phú Lương đã ra văn bản yêu cầu Công viên nước Thanh Hà tạm dừng hoạt động.

Trong văn bản nêu rõ: "Yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ giải trí và Thể thao Thanh Hà dừng hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao tại công viên nước kể từ ngày 23/9 đến khi cơ quan hoàn tất quá trình điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của vụ tai nạn".