Cập nhật mưa lũ miền Trung: 62 người chết và mất tích, tiếp tục có mưa

Thứ bảy, 17/10/2020, 10:00 AM

Đến nay, mưa lũ miền Trung đã làm 55 người thiệt mạng, 7 người vẫn mất tích cùng hàng nghìn ha lúa, hoa màu, thủy sản bị ngập úng, thiệt hại....

Mưa lũ miền Trung làm 62 người thiệt mạng và mất tích.

Mưa lũ miền Trung làm 62 người thiệt mạng và mất tích.

Mưa lũ miền Trung làm 62 người thiệt mạng và mất tích

Thông tin cập nhật từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đã có 55 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ miền Trung vừa qua.

Cụ thể: Quảng Bình 2, Quảng Trị 13 (tăng 1 người trên tàu Vietship 1 bị thương đã không qua khỏi), Thừa Thiên Huế 22 (tăng 14 người do mất tích đã tìm thấy thi thể, trong đó có 13 thi thể ở Tiểu khu 67), Quảng Nam 9, Đà Nẵng 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2.

Số người mất tích là 7 người (giảm 1 người so với báo cáo ngày 15/10 do đã tìm thấy thi thể ở tỉnh Thừa Thiên Huế), gồm: Quảng Trị 3, Đà Nẵng 1, Quảng Nam 2, Gia Lai 1.

Về nhà ở: 649 nhà bị sập đổ, hư hỏng (tăng 64 nhà so với báo cáo ngày 15/10).

Về giao thông: 168 điểm Quốc lộ, 33.639m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng (tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Về nông nghiệp: 900ha lúa, 5.514ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.978ha thủy sản bị thiệt hại; 445.708 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Về tàu thuyền: 6 tàu vận tải/57 người bị sự cố tại tỉnh Quảng Trị, trong đó đã cứu vớt được 50 người, 7 người bị chết, mất tích; 4 tàu cá/17 người bị chìm, các thuyền viên được cứu vớt an toàn.

Thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 7: Khiến 1 người mất tích (ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái, bị nước cuốn trôi khi lội qua suối). Về nhà ở: 01 nhà bị sập, 14 nhà hư hỏng.

Về nông nghiệp: 870 ha lúa giảm năng suất, 105 ha cây rau màu bị thiệt hại (Nam Định).

Về sự cố đê điều: tỉnh Nam Định xảy ra sự cố sạt mái kè Hải Thịnh 3, đê biển Hải Hậu với diện tích các hố sạt 278m2 (tại K25+320 và K25+770).

Miền Trung tiếp tục đối diện mưa bão

Dự báo, từ ngày 16-21/10 ở Trung Bộ có mưa rất to, riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình có khả năng mưa đặc biệt to.

Tổng lượng mưa từ nay đến 21/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình phổ biến 500-800mm, có nơi trên 900mm.

Giai đoạn mưa lớn nhất: 17-19/10; ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm; ở các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Phú Yên phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm.

Mưa lớn kéo dài nguy cơ gây lũ ở Ninh Thuận. (Ảnh: IT).

Mưa lớn kéo dài nguy cơ gây lũ ở Ninh Thuận. (Ảnh: IT).

Trong khi đó, từ ngày 16/10 đến ngày 19/10 ở Tây Nguyên cũng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm.

Mưa với cường độ lớn khiến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tăng cao ở vùng núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên, trong 24h tới các khu vực có nguy cơ cao là các tỉnh Thanh Hóa tới Quảng Bình. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở những khu vực này.

Mưa lũ miền Trung - Ninh Thuận có nguy cơ ngập lụt

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, ngày 16/10, Khu vực tỉnh Ninh Thuận do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung đến Nam Trung Bộ nối với tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa Biển Đông, trường gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh.

Trong 12 giờ qua, khu vực vùng núi thuộc huyện Thuận Nam, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc đã có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to.

Cụ thể tại Sông Pha, lượng mưa là 90.0mm; Ma Nới 99.8mm; Hòa Sơn 101.2mm (huyện Ninh Sơn); Phước Tân 62.6mm; Phước Bình 68.0mm; Phước Hòa 66.4mm (huyện Bác Ái); Phước Hà 85.8mm (huyện Thuận Nam); Phước Chiến 84.4mm (huyện Thuận Bắc).

Hiện tại mực nước lũ tại các sông suối khu vực tỉnh Ninh Thuận đang dao động ở mức xấp xỉ báo động 1 đến báo động 2. Riêng trên Sông Lu, tại trạm thuỷ văn Phước Hà, mực nước lũ lên rất nhanh và đạt đỉnh: 63.60m. Tại trạm thuỷ văn Phước Hữu, mực nước rất nhanh lên nhanh và đạt đỉnh: 13.12m, trên mức báo động 3 là: 0.82m vào lúc 0h ngày 16/10.

Hiện tại, khu vực tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục có mưa rào và giông, có nơi mưa vừa, mưa to.

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận, mực nước trên Sông Lu tại trạm Phước Hà khả năng duy trì ở mức 63.20m, trên mức báo động 3 là: 0.20m; theo lưu lượng xả lũ của hồ Tân Giang, sau đó giảm dần và dao động ở mức xấp xỉ báo động 2. Tại trạm Phước Hữu tiếp tục giảm và dao động ở mức xấp xỉ báo động 1.

Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lụt trên địa bàn lưu vực Sông Lu là cấp 1-2.

Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận khuyến nghị nhân dân đề phòng xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp thuộc địa bàn huyện Thuận Nam và Ninh Phước.

Hàng nghìn hecta hoa màu ở Thái Bình bị ngập úng

Tại Thái Bình, từ đêm 15/10 đã xảy ra mưa lớn kéo dài khiến nhiều đường phố bị chìm trong biển nước. Mưa lớn không chỉ gây ngập lụt, nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Thái Bình có khoảng 3.000ha lúa mùa bị gãy, đổ do mưa lũ. (Ảnh: Dân Trí).

Thái Bình có khoảng 3.000ha lúa mùa bị gãy, đổ do mưa lũ. (Ảnh: Dân Trí).

Theo thống kê, đến ngày 15/10, toàn tỉnh Thái Bình mới thu hoạch được 52.118ha lúa mùa, bằng 66,9% diện tích gieo cấy; diện tích cây vụ đông đã trồng đạt 18.440ha, đạt 49,97% kế hoạch.

Thống kê ban đầu cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 gây mưa to đến rất to, toàn tỉnh có khoảng 3.000ha lúa mùa bị gãy, đổ, 6.000 ha cây màu vụ đông bị ảnh hưởng do mưa lớn. Riêng huyện Tiền Hải, có trên 1.700ha lúa bị gãy đổ.

Bài liên quan