Câu trả lời của Giáo sư Bạch Mai về việc tiêm Adrenaline vào nạn nhân sự cố chạy thận Hòa Bình

Thứ sáu, 18/01/2019, 19:10 PM

Giáo sư Nguyễn Gia Bình, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai đã có những trả lời tham vấn về việc tiêm Adrenaline cho nạn nhân trong sự cố chạy thận, đồng thời đánh giá cách xử lý của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình về sự cố là phù hợp.

tra-loi-cua-giao-su-bach-mai-ve-viec-tiem-adrenaline-vao-nan-nhan-su-co-chay-than
Nhóm chuyên gia đến tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận ở Hòa Bình. (Trong ảnh GS. Nguyễn Gia Bình ở giữa).

Chiều 18/1, phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5/2017, có nhiều diễn biến thu hút sự quan tâm của dư luận. 

Trong đó, đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của 3 chuyên gia là những giáo sư đầu ngành gồm: GS. Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Bệnh Viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam; GS. Đỗ Vũ Gia Tuyển - Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai; TS. Nguyễn Hữu Dũng - Trưởng khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai và GS. Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Tại tòa HĐXX, luật sư, VKS đã  cùng nhau đặt câu hỏi và tham vấn ý kiến từ các chuyên gia nhằm làm sáng tỏ thêm những tình tiết trong vụ án. Đặc biệt là về phác đồ điều trị, cấp cứu các nạn nhân khi xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5/2017. 

Theo đó, trước khi tìm ra nguyên nhân thực của sự cố là tồn dư hoá chất trong nước RO gây ngộ độc máu, bác sĩ tại Đơn nguyên thận nhân tạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã xác định các bệnh nhân có các triệu chứng giống như sốc phản vệ như: Khó thở, tụt huyết áp, nôn, ngứa... nên đã tiến hành cấp cứu theo phác đồ của Bộ Y tế. Trong đó có sử dụng thuốc Adrenaline (loại thuốc mà một số luật sư cho rằng không được dùng với bệnh nhân suy thận mãn tính).

Từ đó câu hỏi đặt ra là việc tiêm Adrenaline cho nạn nhân trong sự cố chạy thận có đúng? "Việc tiêm Adrenaline vào người có thúc đẩy nạn nhân tử vong nhanh hơn? Có những người tiêm Adrenaline đã tử vong có người không tiêm thì còn sống..." là những câu hỏi được nhiều luật sư tham dự phiên tòa đặt ra.

tra-loi-cua-giao-su-bach-mai-ve-viec-tiem-adrenaline-vao-nan-nhan-su-co-chay-than-hoa-binh
GS. Nguyễn Gia Bình trả lời tại tòa.

Trả lời tại phiên tòa, GS. Nguyễn Gia Bình không dưới một lần khẳng định việc các bác sĩ áp dụng phác đồ điều trị sốc phản vệ đối với các nạn nhân của sự cố chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình thời điểm mới xảy ra sự cố là hoàn toàn phù hợp. Việc tiêm Adrenaline vào nạn nhân là phù hợp.

Thậm chí, vị Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam còn cho rằng, việc tiêm Adrenaline vào thời điểm đó giúp cứu sống nhiều nạn nhân mặc dù ông cũng khẳng định đây là loại thuốc không nên dùng cho bệnh nhân thận. 

"Các bạn đã làm rất đúng. Xin nhắc lại các bạn đã làm rất đúng", vị GS. nhắc ở phiên tòa khi trả lời câu hỏi của luật sư.

Theo Giáo sư Bình, khi sự cố tức thời đến với người bệnh, nguyên nhân chưa biết thì đó là phản vệ và phác đồ điều trị là giống nhau. Sau đó, có thể tùy hướng phán đoán để có phân loại và xử lý khác nhau theo mức độ nặng nhẹ. Các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình thời điểm xảy ra sự cố đã dùng thuốc không sai…

Thông thường khi sốc phản vệ phải sử dụng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, nhẹ thì chỉ hơi mẩn ngứa, nặng thì phải nghĩ ngay đến đường tuần hoàn, thậm chí phải cấp cứu ngay lập tức. Ông Bình cho biết cách cấp cứu phản vệ trên thế giới đều giống nhau, đồng thời khẳng định chưa có tài liệu nào hướng dẫn đưa HF vào người, ở Việt Nam cũng chưa ai dùng cái này.

Cũng theo GS Bình giải thích, những bệnh nhân lọc máu ở đường ống RO đầu tiên (còn tồn dư hóa chất) là những người hứng chịu nặng nhất, khó cứu sống được. Còn những người không dùng thuốc là trường hợp rất nhẹ nên được chuyển sang viện khác điều trị. Không nên lý luận người này tiêm thì chết, người kia không tiêm thì sống...

Câu hỏi về việc tiêm Adrenaline vào nạn nhân sự cố chạy thận Hòa Bình sau đó được một luật sư nhắc lại với Phó giám đốc Sở Y tế Hòa Bình - Bùi Thu Hằng và nhận được câu trả lời ngắn gọn của bà Hằng lẫn HĐXX rằng "trước đó GS Bình đã trả lời rồi".

Trước đó cũng tại phiên tòa này khi nhận được câu hỏi, bà Hằng khẳng định việc đánh giá ngay lúc đó rất khó, ngay từ đầu chưa thể xác định được nguyên nhân, nhưng bệnh viện đa khoa tỉnh đã xử trí phù hợp tại thời điểm đó.

Bà Hằng cho hay, tiêm Adrenaline là nằm trong phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế, mà cụ thể là điều trị tụt huyết áp. Ngộ độc cũng là một dạng sốc và dùng Adrenaline để điều trị triệu chứng tụt huyết áp và rối loạn nhịp tim....

 

Xử vụ chạy thận Hòa Bình: Bất ngờ lời khai về 'chữ ký chia sẻ' của bác sĩ Hoàng Công Lương

Phó khoa HSTC Hoàng Công Tình cùng 2 điều dưỡng Đơn nguyên thận đã có những lời khai khác nhau về vai trò và chữ ký của bị cáo - bác sĩ Hoàng Công Lương khi được VKS hỏi.

 

Xét xử vụ chạy thận Hòa Bình: Nhiều gia đình nạn nhân mong muốn giảm án cho các bị cáo

Tại phiên tòa, nhiều gia đình nạn nhân và những người còn sống mong muốn giảm nhẹ cho nhiều bị cáo, trong đó không ít người nói mong xử bác sĩ Hoàng Công Lương không có tội.

 

Xét xử vụ án chạy thận ở Hoà Bình ngày 18/1: Điều dưỡng đơn nguyên thận khai về chữ ký của bác sĩ Lương

Theo giáo sư Bình thì cách xử trí ngày 29/5/2017 cho 18 bệnh nhân với những dấu hiệu buồn nôn, ngứa, đau bụng, tiêu chảy của bệnh viện Đa khoa Hòa Bình là đúng quy trình.

 

'Nóng' phiên tòa chạy thận Hòa Bình: Công ty Thiên Sơn phản bác lời khai của bị cáo về báo giá sửa chữa RO số 2

Cuối buổi chiều ngày thứ 4 phiên xét xử vụ án chạy thận, HĐXX và đại diện Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn đã có màn hỏi đáp gay cấn kéo dài gần 50 phút đồng hồ.