Chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao nhờ hệ thống phản ánh hiện trường

Thứ bảy, 31/08/2019, 12:35 PM

Thông qua hệ thống phản ánh hiện trường, cơ quan chức năng xử lý tốt những bức xúc của xã hội. Qua đó, tạo niềm tin trong lòng nhân dân, làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao…

chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-nho-he-thong-phan-anh-hien-truong
Bên trong Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Gần 4.000 phản ánh gửi đến hệ thống

Đó là một trong những hiệu quả mà hệ thống phản ánh hiện trường của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (Trung tâm IOC) mang lại cho người dân Thừa Thiên Huế.

Theo tìm hiểu, dịch vụ phản ánh hiện trường là một phần quan trọng trong hoạt động của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người dân có thể phản ánh, kiến nghị về những bất cập trong đời sống xã hội như hạ tầng đô thị, trật tự xây dựng, hạ tầng giao thông, vệ sinh môi trường... với chính quyền bằng smartphone qua ứng dụng di động Hue-S hoặc Cổng thông tin tương tác (https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn), kèm theo hình ảnh, video hiện trường.

Tính đến thời điểm hiện nay, có 104 cơ quan, tổ chức, đơn vị tham gia vào hoạt động xử lý phản ánh hiện trường trên cơ sở phát sinh phản ánh thuộc thẩm quyền xử lý.

chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-nho-he-thong-phan-anh-hien-truong
Camera được lắp đặt trên nhiều con đường.

Trải qua 8 tháng, đã có gần 4.000 phản ánh của người dân đã được tiếp nhận thông qua hệ thống phản ánh hiện trường. Qua xác minh, có 2.708 phản ánh đủ điều kiện theo quy định được xử lý (đã xử lý 2.327, đang xử lý 381).

Trong đó, lĩnh vực trật tự đô thị 1.073 (đã xử lý 958), vệ sinh môi trường 611 (đã xử lý 537), hạ tầng đô thị 489 (đã xử lý 397), hạ tầng viễn thông 202 (đã xử lý 168), dịch vụ du lịch 27 (đã xử lý 19), dịch vụ hành chính công 21 (đã xử lý 16), dịch vụ sự nghiệp - công ích 107 (đã xử lý 91) và các lĩnh vực khác 178 (đã xử lý 141). 

Tổng số phản ánh có sự tham gia đánh giá mức độ hài lòng của người dân là 1.521, chiếm tỷ lệ 65% trên tổng số phản ánh đã được xử lý. Trong đó, hài lòng 1.002 ý kiến (đạt 65%), chấp nhận giải quyết 362 ý kiến (24%), không hài lòng 157 ý kiến (11%).

chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-nho-he-thong-phan-anh-hien-truong
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm.

Trong thời gian qua, có hơn 50 đoàn thuộc các cơ quan Trung ương, các cơ quan trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, học tập, tìm hiểu mô hình của Trung tâm và các dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh.

Khắc phục tức thời những phản ánh của người dân

Theo ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu của việc phát triển dịch vụ phản ánh hiện trường là làm cho chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, quản lý đô thị tinh gọn, bảo vệ môi trường hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện, góp phần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng chống tội phạm.

Do đó, việc xây dựng và vận hành tốt hệ thống phản ánh hiện trường là “lợi ích muôn đời”. Đó là việc xử lý tốt những bức xúc của xã hội thông qua phản ánh của người dân, là tạo niềm tin trong lòng nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng xanh, sạch, đẹp và phát triển bền vững.

chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-nho-he-thong-phan-anh-hien-truong
Người dân có bức xúc thường gửi đến hệ thống để được giải quyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Thừa Thiên Huế thông tin, việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị chính xác, nhanh chóng với những vấn đề nóng đã và đang xảy ra đã có những phản hồi tích cực từ người dân, đem lại hiệu quả, sự tin tưởng khi công dân gửi các phản ánh, kiến nghị đến Trung tâm. Qua đó, thu hút người dân tham gia vào các hoạt động của cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Ông Sơn nói: “Hệ thống phản ánh hiện trường đã xây dựng được bộ công cụ giúp người dân, doanh nghiệp chủ động, tin tưởng, tham gia phản ánh, kiến nghị. Xây dựng được kênh tương tác đa chiều, đánh giá kết quả xử lý cũng như công khai, minh bạch, tạo lòng tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, thu hút sự tham gia tăng dần của đông đảo quần chúng. Hệ thống đã phát huy được mô hình tiếp nhận phản ánh tập trung, khắc phục được hạn chế, thiếu hiệu quả trong việc xử lý, phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức thực hiện theo mô hình cũ. Giảm bớt khâu xử lý trung gian, phương thức giám sát hiện đại”.

chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-duoc-nang-cao-nho-he-thong-phan-anh-hien-truong
Một phản ánh của người dân.

Được biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dành thêm nguồn lực để lắp đặt hệ thống camera nhằm phủ kín các trục đường chính trung tâm thành phố Huế; nghiên cứu phương án tăng cường xử phạt theo quy định đối với các tình trạng vi phạm thường xuyên nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm và xây dựng lối sống văn minh của người dân…

 

Thừa Thiên Huế: Hàng trăm phản ánh của người dân đã quá hạn xử lý vẫn chưa có kết quả

Hiện nay, còn hàng trăm phản ánh, kiến nghị của người dân đã quá thời hạn xử lý nhưng chưa nhận được kết quả.

 

Thừa Thiên Huế: Triển khai hệ thống thông tin phản ánh hiện trường

Thông qua các hình thức đa dạng từ ứng dụng di động cho đến trang facebook…, các tổ chức, người dân có thể gửi các phản ánh hiện trường để được xử lý.