Châu Âu "ngốn" gần 800 tỷ euro để bảo vệ công dân khỏi khủng hoảng năng lượng

Thứ tư, 15/02/2023, 06:52 AM

Theo nghiên cứu mới nhất của Bruegel, các nước châu Âu đã chi hơn 700 tỷ bảng Anh (792 tỷ euro) để bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước việc giá xăng tăng vọt kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng năng lượng.

2023-02-13-hivnegsadx20230214104830

Tổ chức tư vấn này đã tính toán rằng, kể từ tháng 9 năm 2021, EU đã chi 681 tỷ euro cho chi tiêu khủng hoảng năng lượng, trong khi Vương quốc Anh đã phân bổ 103 tỷ euro và Na Uy chi hơn 8 tỷ euro.

Cho đến nay, Đức là quốc gia chi tiêu nhiều nhất, với gần 270 tỷ euro kể từ tháng 9 năm 2021.

Tổng số tiền đã phân bổ là 792 tỷ euro, cao hơn so với con số ước tính 706 tỷ euro mà Bruegel đưa ra trong đánh giá vào tháng 11 năm ngoái. Số tiền tăng thêm phản ánh rằng trong mùa đông này, châu Âu tiếp tục hứng chịu ảnh hưởng từ việc Nga cắt giảm gần hết lượng khí đốt cung cấp cho khu vực.

Nga đã giảm đáng kể lưu lượng từ đường ống Nord Stream-1, cũng như tạm dừng dòng chảy vào nhiều quốc gia.

Bruegel kêu gọi các chính phủ chuyển sang hướng hỗ trợ có mục tiêu hơn, ưu tiên những người có thu nhập thấp, trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu cạn kiệt không gian tài chính để duy trì nguồn tài trợ rộng rãi như vậy.

Bruegel cho rằng, trong thời gian qua, các chính phủ ở châu Âu đã tập trung chủ yếu vào các biện pháp không có trọng điểm nhằm kéo giá bán lẻ năng lượng đến người tiêu dùng, chẳng hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với giá xăng hay áp trần giá đối với giá bán lẻ điện.

Trên thực tế, với những khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ, mức dự trữ khí đốt dồi dào và thời tiết ấm hơn thường lệ, châu Âu đã vượt qua mùa đông này một cách tương đối an toàn. Giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm trong thời gian gần đây và hiện đang ở mức thấp nhất trong khoảng 1 năm rưỡi qua.