Chỉ số lo lắng của người Việt trước dịch bệnh

Thứ sáu, 13/03/2020, 07:00 AM

Một bảng khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường về đánh giá của người dân trước dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra những trạng thái cảm xúc khác nhau của những con người khác nhau.

Khảo sát của IPSOS cho thấy, 78% số người Việt Nam được hỏi cảm thấy lo lắng tình hình kinh tế thời kỳ dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới bản thân và gia đình. Ảnh chụp màn hình.

Khảo sát của IPSOS cho thấy, 78% số người Việt Nam được hỏi cảm thấy lo lắng tình hình kinh tế thời kỳ dịch bệnh có thể ảnh hưởng tới bản thân và gia đình. Ảnh chụp màn hình.

Hãng nghiên cứu thị trường IPSOS hồi cuối tháng Hai có một khảo sát về tác động và đánh giá của người dân về Covid-19 (coronavirus) tại 10 quốc gia: Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Mỹ, Canada, Úc, Nhật và Việt Nam.

- Về mức độ lo lắng rằng mình và gia đình sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế người Việt dẫn đầu với 78%.

- 63% người Việt thấy đất nước ta đang bị con virus đe dọa nghiêm trọng. Đối với người Nhật tỷ lệ này là 65%. Cuối bảng là Canada.

- 61% người Việt cho rằng Covid-19 đang đe dọa trực tiếp đến mình. Đứng thứ hai là người Nhật với 26%. Canada cuối bảng với 8%.

- 50% người Nhật bất mãn với chính quyền và cho rằng dịch xảy ra vì chính quyền không ngăn chặn kịp thời. Thứ hai là Pháp với 37%. Có 29% người Việt đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước.

- Và người Việt cũng dẫn đầu về ủng hộ các biện pháp cứng rắn: 91% ủng hộ phong tỏa nguyên cả các thành phố và khu vực dân cư nếu cần.

So với các nước khác trong bảng khảo sát, Việt Nam ít ca đang nhiễm bệnh nhất, chưa bị ca nào tử vong.

Trên đây là những con số về bảng khảo sát. Nhưng dư luận cũng có nhiều cách nhìn về bảng khảo sát này.

Nói về tỷ lệ 78% số người được khảo sát cảm thấy lo lắng về sự ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế và 61% số người cho rằng dịch bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mình, có người cho rằng đây là tâm lý hoảng loạn kỳ lạ. Bởi so với các nước khác trong bảng khảo sát, Việt Nam ít ca đang nhiễm bệnh nhất, chưa bị ca nào tử vong. Người Việt lại tràn đầy ngạo nghễ về thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến chống giặc dịch, và nổi tiếng anh hùng trong rất nhiều cuộc chiến trước đây.

Nỗi lo lắng, sợ hãi này không phải là điều quá vô lý.

Trong các nghiên cứu tâm lý đều cho thấy các mối đe dọa mới lạ sẽ làm tăng mức độ lo lắng nhiều hơn các mối đe dọa quen thuộc và mọi người có xu hướng phản ứng lại với tất cả thông tin mình thu nhận. Những nỗi sợ vô hình có thể gây ra phản ứng thái quá ("reactionary hysteria"). Sợ hãi, lo lắng là cần thiết và là một phần của cuộc sống.

Chính bởi những kết luận này của khoa học nên một số người nhận định sự lo lắng này là làm quá, và cảm thấy buồn cười trước sự lo lắng đó trong bối cảnh cả nước đang làm rất tốt việc phòng, chống dịch Covid-19.

Thế nhưng, chỉ một vài chỉ số có nói lên được người Việt đang hoang mang không?

Nếu đặt tổng thể bảng khảo sát vào với nhau, mới có thể thấy rõ, người Việt có lo lắng, nhưng không hề hoảng loạn. Bởi người Việt đứng đầu trong việc đặt niềm tin vào các biện pháp cứng rắn có thể giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan (91% ủng hộ phong tỏa các vùng dịch khi cần). Có tới 71% - tỷ lệ cao nhất – số người tin rằng chính quyền có thể xử lý được dịch.

Nhìn rộng ra thực tế sự phối hợp của người dân trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2, ngăn chặn những cá nhân đang lẩn trốn trách nhiệm phòng dịch cho cộng đồng, ngăn chặn tin giả lan tràn trên các mạng xã hội đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng dịch.

Chúng ta sẽ không thể có được những thành công đáng kể - điều không thể phủ nhận – trong phòng dịch Covid-19 nếu không có được sự đồng lòng của người dân và quyết tâm lớn của Nhà nước, của Chính phủ.

Để góp phần thêm vào việc tiếp tục khẳng định người dân và Chính phủ Việt Nam luôn làm tốt việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, chúng ta cũng hãy là người chia sẻ thông tin có trách nhiệm để góp phần đẩy lùi dịch bệnh, thay vì khiến cho tình hình càng phức tạp thêm, đồng thời tạo ra một loại dịch bệnh mới, dịch bệnh mang tên "hoảng loạn".

Thông tin thêm: IPSOS là công ty nghiên cứu thị trường lớn thứ 3 thế giới, có mặt tại 90 quốc gia và có lượng nhân viên lên đến 18.000 người. Cuộc khảo sát trong bài viết là cuộc khảo sát giai đoạn 2. Giai đoạn 1 không bao gồm Việt Nam. Bạn có thể đọc toàn bộ khảo sát tại link sau: https://www.ipsos.com/sites/default/files/ct/news/documents/2020-03/coronavirus-wave3-report-ipsos.pdf

Bài liên quan