PGĐ bệnh viện Tuệ Tĩnh nói gì về TPCN do mình sản xuất được quảng cáo như thuốc trị bệnh

Thứ bảy, 10/11/2018, 04:49 AM

Dù TPCN Bồng Cốt Đan được quảng cáo nhan nhản trên mạng khi chưa được cấp phép, Phó giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh - người nghiên cứu ra sản phẩm này lại cho rằng lỗi thuộc về người mua sản phẩm.

chua-duoc-phep-quang-cao-bong-cot-dan-van-giao-ban-nhan-nhan-tren-mang-luong-y-do-loi-do-dong-nghiep-va-sinh-vien
Hình ảnh Bồng Cốt Đan được quảng cáo nhan nhản trên mạng.

Quảng cáo TPCN như thuốc trị bệnh?

Khảo sát trên nhiều trang mạng hiện nay cho thấy, sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) Bồng Cốt Đan đang được quảng cáo và giao bán nhan nhản trên mạng xã hội từ Facebook, Youtube cho đến các trang Website.

Trong số những quảng cáo về loại sản phẩm này có không ít những lời quảng cáo đã hô biến sản phẩm Bồng Cốt Đan từ bản chất là TPCN thành một loạt thuốc có tác dụng chữa bệnh xương khớp với giá thành không hề rẻ.

Điều này khiến không ít người tiêu dùng bị nhầm lẫn. Đồng thời, dẫn đến lo lắng rằng người bệnh một khi không hiểu biết, tin tưởng những lời quảng cáo có cánh, sai sự thật sẽ dễ dẫn đến việc từ bỏ những loại thuốc đặc trị đã được bác sĩ kê đơn để mua và sử dụng loại TPCN này, khiến cho bệnh tình không thuyên giảm mà còn "rước họa vào thân".

Bên cạnh đó, một thông tin đáng chú ý khác cũng được nhiều người thắc mắc khi xem các quảng cáo trên mạng là việc một sản có thông tin quảng cáo rất giống TPCN Bồng Cốt Đan nhưng lại được dán mác dưới danh nghĩa là "Xương Khớp Ông Bồng" và quảng cáo là thuốc có tác dụng chữa trị đau nhức xương khớp, bán cùng một số sản phẩm khác trong gói sản phẩm được giao bán với giá gấp hàng chục lần giá thành gốc.

chua-duoc-phep-quang-cao-bong-cot-dan-van-giao-ban-nhan-nhan-tren-mang-luong-y-do-loi-do-dong-nghiep-va-sinh-vien
Hình ảnh sản phẩm Bồng Cốt Đan và Xương Khớp Ông Bồng giống nhau đến từng chi tiết.

Cùng với đó, trên MXH Youtube còn xuất hiện rất nhiều clip cắt ghép, tự đóng logo, sử dụng hình ảnh của một số kênh truyền hình... khiến rất nhiều người lầm tưởng đây là sản phẩm uy tín được các kênh truyền hình đánh giá cao. Chính vì vậy đã có không ít người vào bình luận, để lại số điện thoại để được tư vấn mua loại TPCN này.

Trong khi đó được biết, sản phẩm Bồng Cốt Đan vốn do tiến sĩ Phạm Việt Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh – Học viện Y dược học Cổ truyền nghiên cứu, được Công ty TNHH TM Dược phẩm Hoàng Việt (địa chỉ Hà Đông - Hà Nội) làm đơn vị phân phối độc quyền ra thị trường. Tiến sĩ Phạm Việt Hoàng cũng từng giữ chức vụ Phó giám đốc (hiện nay ông Hoàng giới thiệu là cố vấn kỹ thuật của công ty), đứng tên đăng ký xác nhận công bố Phù hợp quy định ATTP. 

chua-duoc-phep-quang-cao-bong-cot-dan-van-giao-ban-nhan-nhan-tren-mang-luong-y-do-loi-do-nguoi-tieu-dung
Một số clip quảng cáo về Xương Khớp Ông Bồng có dấu hiệu cắt ghép được đăng tải trên kênh Youtube.

Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm Bồng Cốt Đan chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp phép quảng cáo trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Do đó, câu hỏi đặt ra là phải chăng doanh nghiệp đang quảng cáo và phân phối sản phẩm một cách trá hình "né" quy định của pháp luật?

Đổ lỗi do đồng nghiệp và sinh viên tự ý quảng cáo?

Trao đổi với PV liên quan đến những thông tin quảng cáo về sản phẩm dù chưa có giấy phép, tiến sĩ Phạm Việt Hoàng khẳng định, bản thân chưa hề quảng cáo sản phẩm trên bất kỳ phương tiện nào.

Ông Hoàng cho rằng, bản thân không ít lần bị mạo danh và chuyện quảng cáo sản phẩm Bồng Cốt Đan cũng vậy, có thể do học trò, đồng nghiệp, người tiêu dùng của ông mua về rồi tự ý quảng cáo để bán lại với giá cao. Đồng thời cho biết giá thành sản phẩm này trên toàn quốc chỉ khoảng 250 ngàn đồng.

chua-duoc-phep-quang-cao-bong-cot-dan-van-giao-ban-nhan-nhan-tren-mang-luong-y-do-loi-do-dong-nghiep-va-sinh-vien
Trong lời lẽ quảng cáo, Xương Khớp Ông Bồng đề cập sản phẩm Bồng Cốt Đan có tác dụng chữa bệnh.

 

Trả lời câu hỏi rằng đây có phải chiêu quảng cáo trá hình của doanh nghiệp để "né" quy định pháp luật và rằng họ lấy nguồn thuốc ở đâu để quảng cáo rồi bán như trên? Ông Hoàng nói: "Bản thân tôi chỉ biết bán sản phẩm còn việc người ta quảng cáo rồi bán lại tôi làm sao chịu trách nhiệm được. Tôi không kiểm soát được giá cả người ta bán. Bây giờ ví dụ người đánh cá dưới sông lên sau đó tôi bán cho bà bán cá, bà bán cá đi bán cho khách giá tăng lên thì trách người đánh cá bán đắt à... ".

Về sản phẩm mang danh Xương Khớp Ông Bồng được giao bán trên thị trường, ông Hoàng cho rằng đây là sản phẩm trá hình. "Bồng Cốt Đan chỉ là 1 trong 4 sản phẩm trong sản phẩm Xương Khớp Ông Bồng", ông Hoàng nói thêm nhưng cũng cho rằng hoàn toàn không biết về sản phẩm mang nhãn Xương Khớp Ông Bồng rất giống với Bồng Cốt Đan do ông nghiên cứu.

Bên cạnh đó, ông Hoàng cũng khẳng định bản thân không lợi dụng danh nghĩa PGĐ Bệnh viện để kê đơn thuốc hay bán thuốc cho bệnh nhân trong viện.

h
Tiến sĩ Phạm Việt Hoàng cho rằng bản thân bị mạo danh.

"Đối với những bệnh nhân nội trú điều trị trong bệnh viện thì bác sĩ không bao giờ được kê TPCN vào đơn. Còn đối với bệnh nhân ngoại chú thì bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên để làm sao tốt cho bệnh nhân, đó là quyền của họ...", ông Hoàng nói.

Trước những trả lời trên của vị PGĐ bệnh viện Tuệ Tĩnh, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu việc đổ lỗi do người tiêu dùng tự quảng cáo để ăn chênh có phải chiêu quảng cáo trá hình của doanh nghiệp? Và tại sao một sản phẩm được cho là trá hình như Xương Khớp Ông Bồng lại công khai quảng cáo rầm rộ trên mạng, bán đến người tiêu dùng suốt một thời gian dài mà vẫn tồn tại đánh lừa người tiêu dùng, không bị xử lý dứt điểm?

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc này.

 

Đánh lừa người tiêu dùng, TPCN Bồng Cốt Đan tự phong mình là thuốc

Trong khi chỉ là thực phẩm hỗ trợ điều trị xương khớp nhưng TPCN Bồng Cốt Đan đánh lừa người tiêu dùng đây là thuốc điều trị được bệnh.