Chưa hết tháng 10, chi thường xuyên lên gần 775.000 tỷ đồng

Thứ tư, 30/10/2019, 06:31 AM

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2019 ước tính đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 774,9 nghìn tỷ đồng.

chua-het-thang-10-chi-thuong-xuyen-len-gan-775000-ty-dong
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2019 ước tính đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên đạt 774,9 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2019 thu ngân sách ước tính đạt 1.133,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa 908,1 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô 45 nghìn tỷ đồng; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 176,9 nghìn tỷ đồng.

Đáng nói trong thu nội địa, khu vực tư nhân đóng góp lớn nhất. Cụ thể, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 175,6 nghìn tỷ đồng, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 152,3 nghìn tỷ đồng, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 121,5 nghìn tỷ đồng.

Riêng thu thuế thu nhập cá nhân 87,3 nghìn tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường 44,9 nghìn tỷ đồng, tiền sử dụng đất 99 nghìn tỷ đồng.

Cũng theo Tổng cục Thống kê chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/10/2019 ước tính đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi thường xuyên đạt 774,9 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách cho đầu tư phát triển 208,6 nghìn tỷ đồng, chi trả nợ lãi vay là 86,9 nghìn tỷ đồng.

Mức chi thường xuyên liên tục tăng do bộ máy hành chính còn cồng kềnh. Về vấn đề này, thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 29/10, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, năm 2017 chi thường xuyên chiếm 64% tổng chi ngân sách (hơn 1 triệu tỷ đồng), năm 2018 có giảm hơn. Nếu năm nay giảm xuống trên 60% một chút thì giảm được chi tiêu thường xuyên, qua đó sẽ tăng chi tiêu cho đầu tư phát triển. “Chỉ cần giảm 1% thôi chúng ta có hơn 10.000 tỷ rồi. Chúng ta thấy hiệu quả cao và rất cần thiết trong điều kiện kinh tế còn rất hạn hẹp”, ông nói.

Tinh giảm bộ máy để tiết kiệm chi tiêu hành chính như hiện nay là rất cần thiết, nhưng tinh gọn theo ông Chính, đi kém với đó là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả. “Trên thực tế cân bằng hai mục tiêu này rất khó, đòi hỏi chúng ta phải bàn kỹ, các đại biểu phải bàn kỹ, cân nhắc nhiều mặt, trao đi đổi lại để tìm giải pháp phù hợp”, ông nhấn mạnh.

Trước đó tại đóng góp ý kiến về cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế, Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, hiện người dân đang nhận thức không "đúng và đủ" về chi tiêu cho bộ máy, khiến họ nghĩ bộ máy là gánh nặng với dân.

"Sự cần thiết tinh giản bộ máy ta nói không đầy đủ, làm cho người dân đang nhận thức bộ máy là một gánh nặng cho ngân sách. Chúng ta cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn, tránh tình trạng khi cứ bàn về bộ máy, cải cách, tinh giản là bị xuyên tạc, dẫn đến cách hiểu không đúng đắn", ông nói.

Theo Đại biểu Phương, thực tế, chi cho bộ máy hành chính chỉ khoảng 10% chi thường xuyên.

"Chi thường xuyên bao gồm cả chi cho sự nghiệp y tế, giáo dục và ta đang bao cấp cho người dân 2 lĩnh vực này. Nếu không bao cấp thì người dân đi bệnh viện, trường học phải đóng chi phí như khi đi bệnh viện tư, trường học tư. Số chi đó là chi cho cả người dân chứ không phải là chỉ chi cho bộ máy", ông Phương nói.

Khẳng định mục tiêu là tinh giản nhưng vị đại biểu cho rằng, vẫn làm sao phải đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

"Chúng ta đang chạy theo vấn đề tinh giản. Ai làm được nhiều tinh giản, sáp nhập coi là thành tích. Chính phủ cần quan tâm, và phải trả giá về việc sát nhập, nhập vào lại thôi. Gần đây tôi thấy có một số địa phương đã làm nhập sở nọ sở kia… nhưng nhập dựa trên quy phạm pháp luật nào, mà bên dưới thực hiện như thế nào, để đảm bảo đúng pháp luật?", đại biểu Phương nói.

Bộ Tài chính ước tính số chi NSNN cả năm 2019 là khoảng 1,666 triệu tỉ đồng, tăng 33.500 tỉ đồng so với kế hoạch. Bao gồm chi thường xuyên cả năm đạt 1,005 triệu tỉ đồng, tăng 6.430 tỉ đồng so với dự toán. Bên cạnh đó, chi đầu tư phát triển theo dự toán cả năm nay là 429.300 tỉ đồng nhưng 9 tháng 2019 chỉ mới chi được 44,8% số này. Số còn lại là chi trả nợ lãi cả năm là 124.880 tỉ đồng. Trong khi đó ở chiều thu NSNN, cả năm nay ước đạt 1,457 triệu tỉ đồng, tăng 46.000 tỉ đồng so với kế hoạch.